Qua khảo sát, giám sát cho thấy, hiện nay toàn tỉnh có 283 trường mầm non (222 trường công lập; 61 trường trường ngoài công lập), 968 nhóm, lớp ngoài công lập được cấp phép hoạt động (tăng 16 nhóm); 5.292 phòng học (phòng học kiên cố và bán kiên cố là 5.214; 56 phòng học tạm; 22 phòng học mượn). Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp trong và ngoài công lập vượt so với mục tiêu Nghị quyết số 147/2014/NQ-HĐND, cụ thể: Trẻ dưới 03 tuổi là 31,3% (mục tiêu 25%); trẻ từ 3 đến 5 tuổi là 91,8% (mục tiêu 90%); trẻ nhà trẻ học ngoài công lập là 64,61% (mục tiêu 48%) và trẻ mẫu giáo là 50,19% (mục tiêu 42,5%). Tỷ lệ trẻ nhà trẻ và trẻ mẫu giáo suy dinh dưỡng cân nặng và chiều cao đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết: Suy dinh dưỡng cân nặng và chiều cao tỷ lệ thấp; 100% trẻ nhà trẻ và 93% trẻ mẫu giáo được học bán trú. Toàn tỉnh hiện có 722 cán bộ quản lý, 10.728 giáo viên, 4.640 nhân viên, trong đó giáo viên đạt chuẩn là 97,6%, trên chuẩn là 38,5%. Nhiều địa phương đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng thêm trường, lớp cho bậc học mầm non.

Ban khảo sát tại cơ sở giáo dục mầm non Sao Khuê, thành phố Biên Hòa
Ngoài những kết quả đã đạt được thì một số chỉ tiêu thực hiện còn thấp chưa đạt mục tiêu như Nghị quyết số 147/2014/NQ-HĐND đề ra, như: Tỷ lệ huy động trẻ mầm non 05 tuổi ra lớp; trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ giáo viên đạt trình độ trên chuẩn; 04/171 xã, thị trấn chưa đạt chuẩn phổ cập mầm non 05 tuổi; việc quy hoạch đất giáo dục, đặc biệt là cho bậc mầm non ở các địa phương không phù hợp với tình hình thực tế; còn rất nhiều nhóm, lớp có số trẻ trên 50 trẻ nhưng chưa thành lập trường theo đúng quy định như Biên Hòa, Trảng Bom và nhiều nhóm lớp hoạt động chưa được cấp phép; tỷ lệ giáo viên/lớp thấp; biên chế giáo viên mầm non được phê duyệt của cấp huyện thiếu so với quy định từ 50-700 giáo viên, một số địa phương ứng ngân sách để hợp đồng giáo viên; sĩ số học sinh/lớp tại các trường mầm non công lập và ngoài công lập còn cao so với quy định (nhà trẻ 30 em/lớp - quy định là từ 15-25 em/lớp); một số địa phương có áp lực học sinh mầm non cao nhưng chưa quan tâm đầu tư xây dựng trường, lớp đúng mức như: Biên Hòa, Trảng Bom, Long Thành.
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thu Hiền – UVTT, Trưởng Ban VHXH HĐND tỉnh đề nghị thời gian tới Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm đầu tư ngân sách cho bậc học mầm non đặc biệt tại những địa bàn có đông dân cư, có sức ép cao về dân số; tăng cường quản lý đối với các nhóm, lớp mầm non ngoài công lập; chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch quỹ đất dành cho giáo dục, trong đó có giáo dục mầm non trên cơ sở phù hợp với yêu cầu thực tiễn; có giải pháp giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở bậc học mầm non trên địa bàn; sớm triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai theo kế hoạch đề ra.
Văn Tuấn