Xuân
Lộc-cánh cửa thép bảo vệ Sài Gòn
Trong buổi họp mặt cựu
chiến binh thị xã Long Khánh, chúng tôi gặp rất nhiều người đã từng trực tiếp
tham gia hoặc phục vụ trận đánh Xuân Lộc, cùng bộ đội chủ lực quân giải phóng,
mở toang cánh cửa thép Xuân Lộc, tạo điều kiện cho bộ đội ta tiến vào giải
phóng Sài Gòn và hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước về lãnh thổ (30-4-1975)
tiến tới thống nhất đất nước về mặt Nhà nước (2-7-1976). Với những người như
chú Hai Nở, chú Năm Hùng, chú Tám…thì dường như trận đánh năm xưa vẫn còn in đậm
không phai mờ trong tâm trí họ.
Chú Hai Nở, nguyên là chính trị viên phó thị đội
Long Khánh năm xưa kể lại trong sự xúc động bồi hồi: chỉ có tại thị xã Long
Khánh hôm nay hay phòng tuyến Long Khánh-Xuân Lộc ngày xưa mới diễn ra trận
đánh ác liệt kéo dài suốt trong 12 ngày đêm (9-4 đến 21-4-1975) giữa F341, F7 (QĐ4);
F6 chủ lực của Quân khu 7 với các loại lính thiện chiến của Thiệu. Tại trận
đánh này, nhiều đồng đội của các chú đã hy sinh vĩnh viễn nằm lại mảnh đất quê
hương khi tuổi đời còn rất trẻ, có người còn chưa kịp có người yêu, chưa kịp có
vợ con…Chiến dịch giải phóng Long Khánh luôn tự hào vì nhiều chiến công vang dội
mà giải phóng Long Khánh là một mốc son chói lọi để Sài Gòn thất thủ ít ngày
sau đó, đưa cả nước hòa chung bài ca thống nhất- Bắc Nam sum họp một nhà.

Thắp hương tưởng niệm các liệt sỹ đã hy sinh
trong cuộc giải phóng dân tộc
Chuyển
biến rõ trong mọi mặt đời sống
Đô thị Long Khánh hôm
nay đang từng ngày thay da, đổi thịt, nhiều mảng xanh của đô thị mới, nhiều khu
nhà ngói đỏ và các công trình lịch sử văn hóa khang trang, trong đó có Nghĩa
trang liệt sỹ, nơi yên nghỉ của gần 4000 liệt sỹ đã hy sinh cho các cuộc trường
chinh của dân tộc. Tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết: năm 2009, tốc độ tăng
trưởng GDP trên địa bàn thị xã đạt 13,3% so với năm 2008, trong đó ngành thương
mại dịch vụ tăng 16,1%; công nghiệp xây dựng tăng 13,5%; cơ cấu kinh tế thương
mại dịch vụ chiếm 53,8%; công nghiệp xây dựng là 30,1% và nông nghiệp chỉ còn
16,1%. Thu nhập bình quân đầu người của thị xã đạt trên 23 triệu đồng/năm, vượt
so với mục tiêu Nghị quyết là 19,8 triệu đồng/năm; thu ngân sách theo dự toán đạt
trên 76,481 tỷ đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo được 38,8% hiện còn dưới 3% theo chuẩn
mới của tỉnh. Đến cuối năm 2009, toàn thị xã có 99,7% dân số được sử dụng điện
lưới quốc gia; 99,8% hộ dân được dùng nước hợp vệ sinh; trên 3.200 người được
giải quyết việc làm và 97% số hộ gia đình đạt gia đình văn hóa. Các chính sách
an sinh xã hội được thực hiện đảm bảo với 96,4% trẻ em đến tuổi vào mẫu giáo;
99,2% hoàn thành chương trình tiểu học; 92,7% được xét tốt nghiệp THCS và 90,6%
tốt nghiệp THPT…
Những con số phản ánh
khá sát thực sự lãnh chỉ đạo của Thị ủy, chính quyền thị xã và sự đồng lòng
đoàn kết của toàn dân trong việc phát huy truyền thống xây dựng quê hương mới.
Chị Bùi Thị Thu Loan, một cán bộ trẻ của thị xã nói trong sự xúc động: “khi vào
viếng nghĩa trang liệt sỹ, tôi cứ tự hỏi, thế hệ cha anh đã không tiếc máu
xương để bảo vệ Tổ Quốc, còn thế hệ trẻ chúng ta hôm nay sẽ phải làm gì để xứng
với cha anh. Phải chăng đó là sự nỗ lực học tập, rèn đức luyện đức tài trong
công cuộc xây dựng quê hương mới, tiến hành thắng lợi công cuộc đổi mới của đất
nước”? Câu hỏi bỏ lửng của chị Loan cũng là câu hỏi mà thế hệ trẻ VN hôm nay
đang làm và nỗ lực để làm. Anh Bùi Xuân Thống, Bí thư Tỉnh Đoàn cho rằng, việc
giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ không gì thiết thực bằng cho họ chứng kiến
những thước phim tư liệu, cho họ coi về sự hy sinh anh dũng của thế hệ cha anh
trước đây và bài học thấm thía trong cuộc đổi mới hôm nay để họ tích cực học tập,
góp phần to lớn cho công cuộc xây dựng đất nước dân giàu, nước mạnh, xã hội
công bằng, dân chủ văn minh.
N.
Trinh