Giờ Đại tướng đã ra đi với thế giới người hiền, tôi xin ghi lại đôi điều như một nén tâm nhang gửi hương hồn vị Tổng tư lệnh và nguyện ghi nhớ khắc sâu tình cảm của Đại tướng muôn vàn yêu kính của nhân dân.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một Danh tướng được bạn bè thế giới hết lời ca ngợi khâm phục, kẻ thù nể trọng, còn quân và dân ta thì vô cùng tôn kính. Đấy quả là hạnh phúc cho dân tộc đã sản sinh ra một người con tài, đức vẹn toàn như thế.
Tác giả (bên trái) trong một lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Là một học trò, cộng sự xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhà chiến lược, một chỉ huy quân sự lỗi lạc… Tháng 12 năm 1944, ông được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) giao thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của QĐND Việt Nam) tại tổng Hoàng Hoa Thám, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng buổi đầu chỉ có 34 chiến sĩ với trang bị vũ khí thô sơ. Trải qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng CSVN và Bác Hồ kính yêu… Từ đội quân nhỏ bé ngày nào đã trở thành những Binh đoàn hùng mạnh, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Và hạnh phúc thay, vị Tổng Tư lệnh khả kính từ buổi bình minh ấy, đã vượt qua cái mốc trên một trăm tuổi đời vẫn minh mẫn thông tuệ, để thanh thản ra đi về cõi vĩnh hằng với tuổi đại thọ 103 (ông sinh 25/8/1911). Đó cũng là nét đặc sắc, hiếm có của một vị Danh tướng. Đúng như người đời ngợi ca:
“Tuổi thọ vắt qua hai thế kỷ
Chiến công nối tiếp dải Trường Sơn”.
Tôi vốn là một người lính chiến trận, thật may mắn và hạnh phúc nhiều lần được gặp Đại tướng ở các thời điểm khác nhau, nhưng cứ mỗi lần gặp là mỗi lần học được ở Đại tướng nhiều điều dung dị, chân thành. Lần gặp đầu tiên là vào khoảng 19 giờ 30 phút, ngày 19/3/1967 tại Trường cán bộ dân tộc Trung ương đóng trên địa bàn xã Phùng Khoang, huyện Từ Liêm, Hà Nội (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Chúng tôi ai vào việc nấy, như thường lệ một buổi tập chính thức được bắt đầu! Khi khẩu lệnh từ người chỉ huy phát ra: Tất cả đứng dậy! Lúc ấy ai nấy đều ngỡ ngàng vì đã thấy một đoàn khách tham quan bộ đội đặc công thao diễn kỹ thuật, chiến thuật để rút kinh nghiệm. Điện bật sáng nhưng không để lọt ra ngoài, vì hồi ấy còn chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ hết sức căng thẳng. Đội ngũ đã chỉnh tề, Thượng tá Nguyễn Chí Điềm – Tư lệnh trưởng Đoàn dù 305 dõng dạc hô “nghiêm” và báo cáo: “Kính thưa Bác, bộ đội đặc công đã chỉnh tề, xin chỉ thị của Bác!”
Bác cho phép tất cả được ngồi xuống. Qua lời giới thiệu của đồng chí Tư lệnh, chúng tôi mới tường tận thêm là hôm ấy có Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Đảng, Chính phủ, Quân đội đến thăm bộ đội đặc công trình diễn kỹ thuật. Quả là một dịp may hiếm có và hạnh phúc lớn lao trong đời lính chúng tôi. Sau đôi lời thăm hỏi ân cần cán bộ, chiến sĩ rồi Bác huấn thị 11 điều đặc biệt. Đoạn mở đầu Bác nói: “Hôm nay Bác, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Đảng, Chính phủ, Quân đội tới thăm bộ đội Đặc công. Người nhấn mạnh: Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải cố gắng đặc biệt…Cái gì cũng đặc biệt đối với bộ đội đặc công kể từ khi luyện tập, đi đánh cũng như lúc trở về…”
Tiếp theo lời huấn thị của Bác, Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát biểu. Sau đó, thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Đặc công.
Đại tướng đã khái quát cách đánh đặc công trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, biểu dương, khen ngợi những chiến công xuất sắc của các lực lượng Đặc công trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đại tướng khẳng định: “Cách đánh đặc công là một trong những cách đánh quan trọng của lực lượng vũ trang ta, của nhân dân Việt Nam, là một trong những cách đánh dũng cảm nhất, sáng tạo nhất, anh dũng nhất của lực lượng vũ trang Việt Nam…Sở dĩ ta có cách đánh đặc công vì ta có Đảng anh hùng và quân đội anh hùng, có đường lối chính trị và quân sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng là ngọn cờ trăm trận, trăm thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp cách mạng cao cả của mình…”
Và chính thức từ ngày ấy (19/3/1967) Binh chủng Đặc công Quân Đội nhân dân Việt Nam ra đời. Suốt gần 47 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, gặt hái nhiều thành tích rất vẻ vang. Được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND. Là Binh chủng có số lượng tập thể và cá nhân được phong tặng Anh hùng đông nhất toàn quân.
Thế rồi, hai mươi bảy năm sau, tôi mới có dịp hân hạnh được gặp lại Đại tướng. Đó là vào một buổi chiều đầu tháng 5/1994, tại Bảo tàng lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ. Đại tướng được Hội CCB thành phố Hồ Chí Minh mời đến để nói chuyện nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/1994). Cùng đi với Đại tướng hôm ấy, đặc biệt có nguyên Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh – Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng và bà Đặng Bích Hà – Phu nhân của Đại tướng. Bằng trí tuệ uyên bác, qua buổi nói chuyện, Đại tướng đã tái hiện lại chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, cũng là thời khắc cáo chung của chủ nghĩa thực dân Pháp –tên cáo già gần một trăm năm đô hộ nước ta đã cúi đầu khuất phục trước ý chí của một dân tộc khát vọng độc lập, tự do. Nhân lúc nghỉ giải lao, ông trò chuyện với mọi người, họ đều là cấp tướng, cấp tá dưới quyền thống soái của vị Tổng Tư lệnh, nay ai nấy tóc đã điểm sương song khi gặp lại Đại tướng ai cũng mừng vui, xúc động. Vui chuyện, tôi mạnh dạn hỏi: “Thưa Đại tướng, khi còn ngồi trên ghế nhà trường trong giờ giảng Văn học về bài thơ SÁNG THÁNG NĂM của Tố Hữu, có đoạn:
Lát rồi chim nhé, chim ăn / Bác Hồ còn bận, khách văn đến nhà…Thưa Đại tướng, khách văn ấy là ai ạ?”
Ông nhìn tôi, cười hóm hỉnh, mọi người cùng cười theo và nói: “Hay đấy! Câu này dường như một số bạn trẻ đã hỏi tôi, trong đó có cả thầy, cô giáo từng đứng trên bục giảng nhiều năm. Thực ra thì “khách văn” không phải là tôi (anh Văn) cũng không phải anh Phạm Văn Đồng, mà khách văn chính là nhà thơ Tố Hữu ấy”. Tôi trân trọng cảm ơn Đại tướng và rất vui khi được người thầy lớn của thời đại giải thích một cách thấu đáo.
Còn vào tháng 12/2001, tỉnh Đồng Nai long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 51 năm Chiến khu Đ lịch sử tại ngã 3 suối Bà Hào, lâm trường Mã Đà. Lại một may mắn nữa đến với tôi. Hai vị lão thành – hai cây đại thụ ngồi chung một ghế đại biểu danh dự, đó là ông Võ Chí Công – nguyên Chủ tịch nước và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhìn hai vị với gương mặt phúc hậu, khả kính sát cánh bên nhau ai cũng muốn ghi một bức ảnh để đời, trong đó có mình mà không dám tới gần bởi theo quy tắc công tác bảo vệ lãnh tụ. Một chị nói nhỏ với tôi: Làm sao chụp được tấm ảnh quý hiếm ấy? Tôi không thể trả lời, đành mạnh dạn lại sát, xin ý kiến:
- Thưa Đại tướng, mấy chị Cựu chiến binh muốn có một tấm ảnh với Đại tướng mà họ không dám tới gần ạ?
Thật không ngờ, Đại tướng bảo: Cháu nói với họ cứ lại gần, thoải mái mà, chúng mình đều là lính Cụ Hồ. Thế là tôi vẫy tay ra hiệu, mấy chị biết ý tiến lên sát ghế hai vị. Chớp thời cơ, tôi dương máy ghi liền mấy kiểu. Khi về rọi, quả là những bức ảnh quý hiếm đối với họ lưu lại đời sau cho con cháu vậy.
Cuối năm 2004, chỉ còn ít ngày nữa là đón Tết Nguyên đán. Đại tướng và phu nhân tới thăm tỉnh Đồng Nai. Tại văn phòng tiếp khách của Thường trực Tỉnh ủy, Đại tướng có buổi gặp gỡ với cán bộ lãnh đạo đầu ngành của tỉnh. Sau lời chúc mừng sức khỏe tới lãnh đạo và nhân dân tỉnh nhà. Đại tướng đặc biệt nhất mạnh, “cần xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm với một tỉnh có nền công nghiệp lớn và đa dạng ngành nghề như ở Đồng Nai theo tư tưởng của Bác Hồ là: Lấy dân làm gốc, phải biết dựa vào dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của nhân dân và nhu cầu phát triển để xây dựng chiến lược kinh tế - quốc phòng và an sinh xã hội. Đặc biệt chú ý đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ, đủ các ngành nghề “vừa hồng, vừa chuyên” để kế tiếp xứng đáng truyền thống của một tỉnh anh hùng trong chiến đấu và sáng tạo trong xây dựng”. Những lời chỉ bảo quý báu đó đang được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chính quyền, đoàn thể của tỉnh nhà vận dụng một cách sáng tạo vào thực tiễn.
Mỗi lần được gần Đại tướng tuy thời gian khác nhau nhưng với tôi là một vinh dự lớn. Đầu năm 2007, nhân kỷ niệm 40 năm Binh chủng Đặc công anh hùng (19/3/1967 – 19/3/2007 ), tôi được đi cùng đoàn đại biểu vào thăm và chúc sức khỏe Đại tướng tại nhà riêng số 30 đường Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội và chụp ảnh lưu niệm.
Thời điểm ấy, sức khỏe của Đại tướng có phần đã yếu đang được chăm sóc ở uân y viện Trung ương quân đội 108, nhưng Đại tướng vẫn thu xếp về nhà để cho phép đoàn vào thăm. Đại tá Nguyễn Huyên – thư kí riêng, yêu cầu Đại tướng chỉ được tiếp khách 8 phút. Nhưng Đại tướng hóm hỉnh khẩn khoản: “Cho mình “xin” thêm hai phút để tiếp anh em đặc công”. Cả chủ và khách cùng cười nhưng trào dâng niềm xúc động về sự ưu ái đặc biệt ấy của vị trưởng lão.
Thật may mắn và hạnh phúc cho quân và dân ta là sức khỏe của Đại tướng sau đó khá dần. Vì vậy, cuối tháng 10 năm 2009, nhân kỷ niệm 50 năm Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp bạn Lào (30/10/1949 -30/10/2009) được tổ chức trọng thể tại hội trường Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Chiều ngày hôm trước, tôi tranh thủ vào thăm Đại tướng và tặng ông cuốn sách: ĐOÀN ĐẶC CÔNG 113 VỚI BIÊN HÒA- ĐỒNG NAI, sách dày 700 trang do nhà xuất bản QĐND ấn hành, mà bản thân tôi thực hiện ròng rã trong hai năm.
Cầm ấn phẩm trên tay, ông hỏi: Lấy đâu ra kinh phí để làm? Tôi trả lời: Thưa Đại tướng, ngân sách địa phương tỉnh cấp đó ạ. Ông khen ngợi và căn dặn: “Làm được thế này là tốt lắm để giáo dục truyền thống cho bộ đội và lớp lớp thanh niên. Nhưng chú ý phải giữ bí mật. Đặc công là sản phẩm của quân đội Việt Nam, của nhân dân Việt Nam”.
Vừa uống nước, ông hỏi chuyện thân mật: “Ở Đồng Nai các cháu ra đây có việc gì? Thưa Đại tướng, chúng cháu ra dự lễ kỷ niệm 50 năm Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp bạn Lào ạ. Thật bất ngờ, Đại tướng hào hứng nói: “Thế hả, ngày mai mình cũng dự đấy!”
Quả thật ngày hôm sau (30/10/2009), hội trường Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh gần ngàn đại biểu trong nước và quốc tế, trong đó có cả cơ quan Đại sứ quán Lào tới dự. Đại tướng xuất hiện, cả hội trường đứng dậy nồng nhiệt vỗ tay chào đón hàng tràng dài. Lời phát biểu của Đại tướng gần 40 phút nói lên tình cảm đặc biệt Việt – Lào thủy chung trọn vẹn, làm nhiều người rơi nước mắt…
Giờ đây Đại tướng đã đi xa, nhưng tình cảm thân thương trìu mến và những lời căn dặn ân cần sẽ còn đọng mãi trong lòng tôi – người lính Cụ Hồ để sống tốt hơn với bạn bè, con cháu.
Nguyễn Quốc Hoàn
(Nguyên một sĩ quan Đặc công)