UBND huyện Tân Phú đã chỉ đạo Phòng Tài chính tổ chức triển khai cụ thể đến UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã triển khai thực hiện công tác vận động nhân dân đóng góp cũng như công tác quản lý nguồn thu từ huy động đóng góp tự nguyện của nhân dân. Việc thực hiện triển khai đầu tư các công trình xã hội hóa giao thông nông thôn đều được UBND cấp xã bám sát quy trình, quy định về đầu tư xây dựng cơ bản hiện hành, tuân thủ các trình tự thủ tục quy định tại Nghị quyết số 170/2015/NQ-HĐND. Công tác tổ chức vận động nhân dân đóng góp được thực hiện đúng nguyên tắc, được nhân dân đồng thuận, nhiệt tình hưởng ứng với nhiều đóng góp về nguồn lực để xây dựng, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường nông thôn, tạo điều kiện phục vụ cho nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân.
Qua khảo sát tại UBND xã Phú Lập cho thấy, UBND xã đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chương trình xã hội hóa giao thông nông thôn. Từ năm 2014 đến nay, xã đã huy động nguồn lực đầu tư 09 tuyến đường giao thông nông thôn bằng bê tông xi măng với tổng chiều dài trên 12 km. Tổng kinh phí thực hiện đầu tư xây dựng là 27,3 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí vận động nhân dân đóng góp là 5,466 tỷ đồng, đã huy động nhân dân đóng góp trên 1,24 tỷ đồng (đạt 23%), số còn lại phải huy động trong nhân dân là 4,226 tỷ đồng. Việc đầu tư bê tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân và lưu thông vận chuyển hàng hóa.
Ông Võ Tuấn Dũng - Tổ trưởng tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Tân Phú
kết luận giám sát
Nhìn chung, các công trình xã hội hóa giao thông nông thôn trên địa bàn huyện đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng công trình, đáp ứng được yêu cầu đầu tư và khai thác quản lý. Theo báo cáo, đến thời điểm giám sát (tháng 9/2016), tỷ lệ nhựa hóa đường huyện quản lý đạt 76,25%; tỷ lệ bê tông hóa đường trục xã, liên xã đạt 87-88%; đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt 64,78%; đường trục chính nội đồng đạt 85%; đường ngõ, xóm đạt 94,71%. Trong năm 2015 và 9 tháng đ năm 2016, trên địa bàn huyện đã triển khai đầu tư 62 công trình (trong đó có 9 công trình được phê duyệt chủ trương đầu tư trong năm 2015), đã hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng 24 công trình. Tổng mức kinh phí thực hiện đầu tư xây dựng các công trình GTNT là 151,692 tỷ đồng, trong đó: Tổng số kinh phí đã cân đối đầu tư là 67,5 tỷ đồng (gồm: ngân sách tỉnh hỗ trợ là 50,625 tỷ đồng, ngân sách huyện là 8,437 tỷ đồng và nguồn nhân dân đóng góp là 8,673 tỷ đồng); nguồn vốn tiếp tục còn phải huy động là 84,192 tỷ đồng (gồm: ngân sách tỉnh là 22,193 tỷ đồng, ngân sách huyện là 34,853 tỷ đồng và nhân dân đóng góp là 26,910 tỷ đồng). Việc huy động đóng góp của nhân dân được thực hiện công khai minh mạch; tổ chức họp dân để thông báo cho dân biết về quy mô dự án, tổng mức đầu tư, tỷ lệ ngân sách hỗ trợ và số còn lại nhân dân phải đóng góp; đưa ra lộ trình thời gian thu, phân kỳ thu, dự kiến thời gian khởi công trình để nhân dân bàn bạc, đóng góp ý kiến. Sau đó trình HĐND cùng cấp phê duyệt; đồng thời đăng ký nhu cầu vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh và cân đối nguồn vốn ngân sách huyện hỗ trợ đầu tư.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn chưa sâu rộng, dẫn đến nhiều xã thực hiện thu chưa đảm bảo theo Nghị quyết của HĐND huyện; số tiền huy động đóng góp nhân dân thực hiện đạt thấp (chỉ đạt 24%); thu nợ trong dân chậm, trong năm 2015 và năm 2016, số tiền còn phải huy động nhân dân đóng góp là 26.910 tỷ đồng. Một số tuyến đường xã hội hóa giao thông nông thôn có mật độ dân cư thưa nhưng vẫn thực hiện làm đường bê tông hóa, do đó nguồn thu trong dân không đủ, hiệu quả không cao, ngân sách phải bỏ ra nhiều. Chất lượng hồ sơ thiết kế một số công trình còn hạn chế, không phản ánh đúng địa hình công trình, làm lợi cho đơn vị thi công. Công tác giám sát cộng đồng còn hạn chế; công tác lưu trữ hồ sơ, chứng từ dự án ở cấp xã chưa khoa học, gọn gàng do trình độ chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực đầu tư của Ban giám sát cộng đồng và Ban quản lý dự án xã chưa cao, chưa mang lại hiệu quả trong hoạt động; công tác lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành còn chậm theo quy định.
Qua đi khảo sát một số tuyến đường thực hiện xã hội hóa giao thông nông thôn trên địa bàn xã Phú Lập, còn một đoạn khoảng 400 m đường ấp 4-5 chưa hoàn thành do người dân không tham gia đóng góp; xuất hiện tình trạng đường bị xuống cấp; công tác duy tu bảo dưỡng chưa thường xuyên, một số đoạn đường còn chưa được phát quang, từ đó ảnh hưởng đến công trình và tầm nhìn của người tham gia lưu thông.
Kết thúc giám sát, Đoàn đã kiến nghị UBND huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chương trình xã hội hóa giao thông nông thôn trên địa bàn; công khai rộng rãi về mục đích, ý nghĩa thực hiện xã hội hóa, mức hỗ trợ của nhà nước và mức đóng góp của nhân dân để dân biết và thực hiện nghiêm túc. Quá trình xây dựng kế hoạch xã hội hóa giao thông trong năm cần phải xem xét tính hiệu quả của dự án, công trình, khả năng huy động nguồn lực nhân dân, tránh việc đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản. Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã rà soát các tuyến đường có dấu hiệu xuống cấp để có kế hoạch duy tu sữa chữa đường hàng năm, phát huy hiệu quả của công trình trong việc phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đi lại của nhân dân.
Lê Lài