Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 78-T9-2011

Tình hình thi hành án dân sự trên địa bàn huyện Long Thành

Đăng ngày: 20/05/2013
Thực hiện Quyết định số 34/QĐ-HĐND ngày 09/8/2011 của Thường trực HĐND tỉnh về việc thành lập đoàn giám sát tình hình thi hành án dân sự trên địa bàn huyện Long Thành, ngày 18 tháng 8 năm 2011, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Long Thành đã tiến hành giám sát với nội dung trên. Đoàn do ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Huyện ủy, Tổ trưởng Tổ đại biểu đơn vị huyện Long Thành làm Trưởng đoàn.​

     Với số cán bộ, viên chức hiện có 16/20 biên chế được giao (còn thiếu 04 biên chế chưa tuyển được), Chi cục Thi hành án Dân sự huyện đã có nhiều nỗ lực tích cực trong hoạt động. Kết quả đạt được trong 10 tháng đầu năm (từ 10/10/2010 đến 30/7/2011) cho thấy công tác thi hành án của huyện luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Cục Thi hành án tỉnh, Huyện ủy, UBND, UBMTTQVN huyện; trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ chấp hành viên và cán bộ thi hành án được nâng lên; công tác phối kết hợp và sự hỗ trợ tích của các cơ quan tư pháp, cơ quan đoàn thể cấp huyện và UBND các xã, thị trấn; bên cạnh đó vai trò của Ban Chỉ đạo thi hành án huyện đã góp phần vào việc định hướng cho công tác thi hành án trên địa bàn thực hiện đúng pháp luật. Cụ thể:

     Kết quả thi hành án: Tổng số việc thụ lý: 2.208 việc, trong đó số việc ủy thác là 11, số việc còn phải thi hành là 2.197 (trong đó số việc có điều kiện: 1.581 việc, số việc chưa có điều kiện thi hành: 616 việc). Đã thi hành được 1.092/1.581 việc, đạt 85,1%/81% chỉ tiêu ngành giao. Tổng số tiền thụ lý: 126.878.249.000 đồng, trong đó số tiền ủy thác là 956.224.000 đồng, số tiền còn phải thi hành 125.922.025.000 đồng (trong đó có điều kiện thi hành 47.801.320.000 đồng; chưa có điều kiện thi hành 78.120.705.000 đồng). Đã thi hành 21.321.434.000/47.801.320.000 đồng, đạt 73%/61% chỉ tiêu ngành giao. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thi hành án, nhận được 10 đơn đa số là khiếu nại chậm thi hành án. Kết quả giải quyết: không chấp nhận 06 đơn và đương sự rút 04 đơn.

     Bằng nhiều hình thức, Chi cục đã triển khai đến toàn thể cán bộ, chấp hành viên các văn bản có liên quan trực tiếp đến công tác thi hành án như Luật thi hành án dân sự năm 2008; Nghị định số 58/2009/NĐ-CP, Nghị định số 74/2009/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC; Thông tư số 144/2010/TTLT-BTC-BTP; Thông tư số 17/2010/TT-BTP và các văn bản chỉ đạo của ngành, UBND tỉnh, UBND huyện Long Thành liên quan đến công tác thi hành án; phối hợp với phòng Tư pháp huyện tổ chức triển khai Luật Thi hành án dân sự năm 2008 cho các phòng ban của huyện và cán bộ chủ chốt UBND các xã, thị trấn.

     Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả Chi cục Thi hành án Dân sự huyện đạt được, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như số việc chưa có điều kiện thi hành tương đối cao (616/2.197 việc), tỷ lệ 28,04%, trong đó án hoãn 413 việc; tạm đình chỉ 01 việc; lý do khác như tài sản kê biên chưa bán được, tài sản có tranh chấp …là 179 việc và trả đơn 23 việc); Thời gian thi hành án chậm đối với các loại án đặc biệt khó khăn như: án phải kê biên quyền để đảm bảo thi hành án, án kinh doanh thương mại mà chủ doanh nghiệp bỏ đi, án bị Giám đốc thẩm-Tái thẩm hủy, loại án dân sự có giá trị thi hành nhỏ,…

    
     Ý thức tự giác chấp hành pháp luật về thi hành án của một số người phải thi hành án chưa cao. Mặt khác, các loại án phí hình sự, bồi thường cho nhà nước, phạt sung công,... đa số người phải thi hành án đang thụ hình, bỏ địa phương đi không rõ địa chỉ, thuộc diện có hoàn cảnh kinh tế khó khăn không có khả năng thi hành án. Vì vậy, số lượng án chưa có điều kiện thi hành tương đối cao, cơ quan thi hành án phải giữ theo dõi và chuyển từ năm này sang năm khác.

    
     Việc thực hiện Luật về thi hành án trong thực tế còn nhiều bất cập, một số quy định còn chồng chéo, rườm rà gây khó khăn trong thực thi Luật, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến thời gian thụ lý vụ việc kéo dài. Có thể nêu một số trường hợp cụ thể như sau :

     Đối với các loại án liên quan đến lĩnh vực đất đai, công tác bổ trợ chưa được đồng bộ. Tại khoản 3, Điều 3 Luật thi hành án quy định: người phải thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành. Tuy nhiên, trong bản án nêu: các đương sự liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định. Như vậy, cơ quan thi hành án không thể ra quyết định thi hành án. Mặt khác UBND các xã thị trấn và Phòng Tài ngyên và Môi trường không nhận hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ đối với những trường hợp này cho rằng đã có bản án thì phải do cơ quan thi hành án thi hành.

     Đối với án phải kê biên tài sản để đảm bảo thi hành án. Tại điểm b, khoản 1, Điều 99 quy định: đương sự có quyền yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản nhưng không quy định cho lần đầu hay là tất cả các lần tiếp theo. Trên thực tế đã xảy ra trường hợp tài sản đã giảm giá để bán đấu giá nhiều lần nhưng trước khi có thông báo bán đấu giá của lần tiếp theo, đương sự yêu cầu định giá lại, Chấp hành viên phải chấp nhận và sự việc quay lại như điểm xuất phát ban đầu, kéo dài thời gian không xử lý dứt điểm bản án được.

     Cơ quan thi hành án chưa có cơ sở pháp luật để xử lý đối với loại án người phải thi hành có quyền thừa kế tài sản nhưng chây ì không yêu cầu chia di sản.

     Đối với các loại án có giá trị thi hành nhỏ như góp nuôi con, bồi thường sức khỏe,... thường cơ quan thi hành án không thể kê biên tài sản đảm bảo thi hành được vì vướng quy định của pháp luật khi kê biên tài sản phải có giá trị tương ứng với nghĩa vụ thi hành án.

     Từ những đánh giá trên, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đã kiến nghị Ban Chỉ đạo và Chi cục Thi hành án dân sự huyện tiếp tục thực hiện tốt Luật Thi hành án dân sự năm 2008, đặc biệt lưu ý đến các Điều 44 về xác minh điều kiện thi hành án, Điều 46 về cưỡng chế thi hành án và Điều 6 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP nhằm đảm bảo thời gian thi hành án theo quy định; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để tổ chức, cá nhân, trong cộng đồng dân cư biết về thủ tục, trình tự thi hành án dân sự để tổ chức, cá nhân phải thi hành án thực hiện đúng quy định pháp luật; xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan tư pháp: Tòa án, Viện kiểm sát, Công an, Thi hành án để hoạt động thi hành án dân sự trên địa bàn huyện thực hiện tốt; cần xây dựng kế hoạch tạo ra các đợt cao điểm (tháng cao điểm) theo từng địa bàn hoặc cuốn chiếu hoặc theo từng loại vụ việc nhằm nâng tỷ lệ giải quyết vụ việc. Đối với những vụ việc phức tạp cần xử lý, phải thực hiện ngay việc báo cáo về Ban chỉ đạo tỉnh để xem xét, chỉ đạo giải quyết kịp thời.

     Kiến nghị đối với UBND tỉnh xây dựng kế hoạch sơ kết 03 năm thực hiện Luật thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh nhằm đánh giá, rút kết những khó khăn, hạn chế từ thực tiễn để có kiến nghị cụ thể về chỉnh sửa Luật cho phù hợp với thực tế; chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác bổ trợ cơ quan thi hành án cấp huyện về xây dựng thiết lập hồ sơ thửa đất, cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, Giấy chứng nhận QSHNƠ để cơ quan thi hành án có cơ sở kê biên định giá; đồng thời nghiên cứu đề nghị Bộ Tư pháp thực hiện thí điểm thành lập Cảnh sát Tư pháp trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ cho các hoạt động như xác minh, kiểm tra thực tế tại địa bàn mà có sự chống đối của đương sự. Vì hiện nay lực lượng công an chỉ hỗ trợ khi có quyết định cưỡng chế.

                                                                                Thu Hương