Hoạt động kỳ họp sẽ bao gồm việc tổ chức các kỳ họp thường lệ theo quy định và tùy yêu cầu của tình hình thực tế, HĐND tỉnh tổ chức các kỳ họp chuyên đề hoặc bất thường để kịp thời quyết định các nội dung chuyên đề, các vấn đề của địa phương đáp ứng với yêu cầu của công tác quản lý, điều hành nhà nước. Đảm bảo sự chủ động trong việc xác định chương trình xây dựng Nghị quyết hàng năm của HĐND; nâng cao chất lượng và tăng cường thời gian thảo luận tại các kỳ họp để đại biểu HĐND đóng góp ý kiến đối với các báo cáo, đề án, tờ trình đồng thời đưa ra kỳ họp trao đổi những vấn đề chưa thống nhất hoặc những vấn đề được nhiều đại biểu cùng quan tâm. Đại biểu HĐND tỉnh chủ động, tích cực, phát huy vai trò giám sát thông qua hoạt động chất vấn tại kỳ họp và giữa hai kỳ họp; bảo đảm tính phong phú và tính đại diện của các vấn đề đưa ra chất vấn. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác điều hành kỳ họp, tăng cường chuyển tải thông tin đến đại biểu trước, trong và sau các kỳ họp.
Đại biểu HĐND phải liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu ra mình, chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri với HĐND và cơ quan nhà nước hữu quan ở địa phương. Phát huy các hình thức tiếp xúc cử tri tại địa bàn ứng cử, nơi cư trú, nơi làm việc và tiếp xúc cử tri theo chuyên đề của các đại biểu. Đại biểu HĐND có thể trực tiếp gặp gỡ cử tri để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri và những vấn đề mà đại biểu quan tâm. Đại biểu HĐND có trách nhiệm nghiên cứu, cập nhật văn bản pháp luật mới bằng nhiều hình thức khác nhau, đồng thời nắm thông tin về việc trả lời ý kiến cử tri để giải thích thỏa đáng cho cử tri. Tùy vào tình hình thực tế, Thường trực HĐND tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề để nắm bắt những ý kiến của cử tri có tính chất chuyên sâu, có hệ thống về từng lĩnh vực cần quan tâm để phục vụ kỳ họp. Dự kiến một số nội dung chuyên đề tổ chức tiếp xúc như sau: Công tác bảo vệ môi trường; Y tế; Giáo dục và Đào tạo.
Đại biểu HĐND tỉnh thực hiện tiếp công dân tại địa bàn ứng cử ít nhất 1 lần/1 tháng. Thường trực và các ban HĐND thực hiện việc tiếp công dân vào các ngày thứ 6 hàng tuần tại phòng tiếp dân của UBND tỉnh. Các tổ đại biểu xây dựng lịch tiếp công dân và tổ chức cho đại biểu thực hiện, báo cáo kết quả với Thường trực HĐND tỉnh.
Các hoạt động phối hợp được HĐND tỉnh xác định bao gồm: Tham gia công tác xây dựng Luật, các hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Đồng Nai khi tiến hành trên địa bàn; tổ chức các hoạt động bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm và kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND các cấp; phối hợp chặt chẽ với HĐND, UBND các cấp trong các hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, giám sát và khảo sát và thực hiện các quy chế phối hợp với các cơ quan, ngành có liên quan mà HĐND đã ký kết.
Hoạt động giám sát do Thường trực, các ban và các tổ đại biểu HĐND tỉnh thực hiện, trong nhiệm kỳ 2011-2016 tập trung chủ yếu vào việc giám sát kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết HĐND tỉnh, các vấn đề phát sinh trên địa bàn thuộc những lĩnh vực cụ thể như sau.
Lĩnh vực Kinh tế và Ngân sách: Giám sát việc thực hiện nghị quyết HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các Nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh khóa VII còn hiệu lực thực hiện; thực hiện quyết toán ngân sách nhà nước; thực hiện thu ngân sách nhà nước - chi ngân sách địa phương; kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư và xây dựng hàng năm và giai đoạn; việc xây dựng và triển khai thực hiện các quy định về phí, lệ phí; thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ bản đối với một số công trình trọng điểm; công tác quản lý nhà nước về môi trường; công tác quản lý quy hoạch nhất là quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất trong đó chú trong đến việc sử dụng đất của các dự án; công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư....
Lĩnh vực Pháp chế: Giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh trong lĩnh vực pháp chế; tình hình giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo và một số vụ việc khiếu nại cụ thể; hoạt động của các cơ quan Tư pháp trong công tác điều tra, truy tố, xét xử và hoạt động bổ trợ Tư pháp; phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng; cải cách hành chính; đảm bảo an toàn giao thông; công tác tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ và các nội dung khác do yêu cầu thực tế đặt ra.
Lĩnh vực Văn hóa xã hội: Giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh trong lĩnh vực Văn hóa Xã hội; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện các chính sách bảo trợ xã hội, chăm sóc người có công, gia đình chính sách; xã hội hóa các hoạt động giáo dục- đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục- thể thao, du lịch, dân số- gia đình và trẻ em; đầu tư phát triển giáo dục mầm non, kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2008-2012; xây dựng nhà ở xã hội; công tác giảm nghèo trên địa bàn; kết quả thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo; xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, Thường trực, các Ban, các tổ đại biểu HĐND tỉnh sẽ lựa chọn và giám sát các vấn đề phát sinh từ thực tế quá trình phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh của địa phương; giám sát những nội dung khác theo chỉ đạo của Tỉnh ủy. Quá trình giám sát có sự phối hợp giữa giám sát những vấn đề chung với những vấn đề cụ thể; phối hợp giám sát với các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Nai và HĐND các cấp; quan tâm giám sát việc giải quyết các đơn thư khiếu nại bức xúc của công dân.
Nghị quyết về Chương trình hoạt động 5 năm 2011-2016 đã nhận được sự nhất trí của 80/80 đại biểu HĐND tỉnh, đạt tỷ lệ 100%.
Nguyễn Thị Oanh