Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 76-T7-2011

Trao đổi về Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân với đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016

Đăng ngày: 16/05/2013
​Trong bối cảnh nước ta đang tăng cường dân chủ cơ sở, phân cấp nhiều hơn cho các địa phương thì vai trò của các cơ quan dân cử và các đại biểu dân cử ngày càng trở nên quan trọng.

      ​​Những năm qua, HĐND các cấp trên địa bàn Đồng Nai đã chú trọng và chủ động hơn trong việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương trong đó có vấn đề kinh tế xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn đòi hỏi hoạt động của HĐND phải thực chất hơn nữa, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan dân cử nói riêng và góp phần vào phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của địa phương nói chung.

     Nhằm thiết thực nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, giúp trang bị cho đại biểu HĐND những kiến thức cơ bản để hiểu rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND; trang bị cho đại biểu những kỹ năng và kinh nghiệm hoạt động ngay từ đầu nhiệm kỳ đặc biệt là những đại biểu HĐND trúng cử lần đầu, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội nghị trao đổi về Luật tổ chức HĐND&UBND. Hội nghị được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình của Đài phát thanh truyền hình Đồng Nai để đại biểu HĐND ba cấp và nhân dân cùng theo dõi. Đồng chí Huỳnh Chí Thắng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khoá VII trình bày tại Hội nghị về những vấn đề cơ bản của Luật tổ chức HĐND&UBND.

       Những quy định chung về HĐND và UBND giúp cho đại biểu hiểu về chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, nguyên tắc hoạt động của HĐND; xác định UBND là cơ quan chấp hành của HĐND, nhiệm kỳ của HĐND và UBND và các yếu tố đảm bảo hiệu quả hoạt động của HĐND và UBND. Từ việc phân tích những quy định khái quát như trên, báo cáo viên đã rút ra đặc thù chức năng của HĐND như sau: Là cơ quan dân cử và cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; các quyết định mang tính quyền lực của HĐND đều là quyết định tập thể (trong khi đó cơ quan hành chính như UBND và các cơ quan chuyên môn lại nặng về trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; HĐND họp không thường xuyên; kết hợp hình thức thường trực và các ban; kết hợp trách nhiệm tập thể với trách nhiệm cá nhân đại biểu; là cơ quan đại diện và độc lập trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn nhưng không cát cứ, địa phương tách khỏi trung ương. Chính vì thế, HĐND còn chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan nhà nước cấp trên.

       Về đại biểu Hội đồng nhân dân được hiểu là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương, gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật và tham gia vào việc quản lý nhà nước. Nhiệm kỳ của Đại biểu HĐND trùng với nhiệm kỳ của HĐND. Đại biểu HĐND có 05 quyền cơ bản: Quyền chất vấn;  Quyền yêu cầu cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân kịp thời chấm dứt những việc làm trái pháp luật, chính sách của Nhà nước; quyền kiến nghị về việc thi hành pháp luật, chính sách của Nhà nước và về những vấn đề thuộc lợi ích chung; quyền đề nghị Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu và trong thời gian Hội đồng nhân dân họp, nếu không được sự đồng ý của Chủ tọa kỳ họp thì không được bắt giữ đại biểu Hội đồng nhân dân. Đại biểu HĐND cũng có 04 nghĩa vụ bao gồm: Tham dự đầy đủ các kỳ họp, phiên họp của Hội đồng nhân dân, tham gia thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân; liên hệ chặt chẽ với cử tri; khi nhận được yêu cầu, kiến nghị của cử tri phải có trách nhiệm trả lời cử tri và khi nhận được khiếu nại, tố cáo của nhân dân phải xử lý.

       Nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức thuộc HĐND được trình bày tại Hội nghị bao gồm: Thường trực HĐND; các Ban HĐND; các Tổ đại biểu HĐND; Thư ký kỳ họp và các tổ chức khác được thành lập tại một số kỳ họp HĐND, các tổ chức này tự giải tán sau khi hoàn thành nhiệm vụ:

      Kỳ họp HĐND là nội dung được báo cáo viên tập trung trình bày nhiều nhất giúp cho đại biểu có sự hình dung rõ về Hội đồng nhân dân thảo luận, ra nghị quyết về các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình tại các kỳ họp; điều kiện tiến hành kỳ họp Hội đồng nhân dân. Liên quan đến kỳ họp HĐND là cách thức hoạt động của HĐND giữa hai kỳ họp thông qua việc Thường trực HĐND phối hợp với Uỷ ban nhân dân giải quyết những vấn đề phát sinh khi thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân; xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung những biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân theo đề nghị của Uỷ ban nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất.

       Thực hiện chức năng giám sát của HĐND và kỹ năng giám sát của đại biểu HĐND là hai nội dung quan trọng khác được báo cáo viên trình bày với đại biểu HĐND các cấp. Theo đó, Hội đồng nhân dân giám sát thông qua 5 hoạt động sau đây: Xem xét báo cáo công tác của Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; xem xét việc trả lời chất vấn: xem xét văn bản quy phạm pháp luật; thành lập Đoàn giám sát khi xét thấy cần thiết và bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu. 

      Báo cáo viên cũng đã đi sâu phân tích về sự khác nhau giữa giám sát với kiểm tra ở chỗ: giám sát là hành vi độc lập, từ bên ngoài, còn kiểm tra là hoạt động thường xuyên từ bên trong tổ chức hành pháp. Giám sát khác với "thanh tra nhà nước", "thanh tra chuyên ngành" vì thanh tra chính là một công cụ của kiểm tra, tức là từ bên trong. Giám sát khác với kiểm sát, vì kiểm sát mặc dù cũng là hành vi giám sát từ bên ngoài của một cơ quan độc lập nhưng kiểm sát gắn với thẩm quyền tố tụng và về thực chất là một công cụ thường xuyên của cơ quan bầu ra nó, tức là của cơ quan dân cử. 

      Để giám sát tốt, đại biểu cần có những kỹ năng và kinh nghiệm như sau: cần có thông tin; cần có ưu tiên trong giám sát; quá trình tham gia giám sát không phó thác nhiệm vụ giám sát cho một vài đại biểu được coi là “có kiến thức chuyên môn”; tránh tình trạng coi giám sát như là kiểm tra; khi tham gia giám sát, đại biểu cần giữ vị thế khách quan; giám sát phải hiệu quả; phải dự liệu trước về khả năng bất đồng quan điểm giữa tổ chức giám sát và đơn vị hịu sự giám sát để có ứng xử phù hợp và cần phối hợp để giám sát hiệu quả.

       Là người của cơ quan dân cử, thách thức đối với một đại biểu HĐND là rất lớn, đó là việc thực hiện nhiệm vụ phức tạp và khó khăn; là yêu cầu phải có nhiệt tình và thời gian và sự cống hiến với cộng đồng; là khả năng có thể nản lòng; là khả năng có thể bị đặt vào tình thế xung đột, đòi hỏi bản lĩnh và dám theo đuổi đến cùng. Tuy nhiên, nếu vượt qua được những vấn đề nêu trên thì đại biểu đóng góp một vai trò rất lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

     Sau một ngày trao đổi, Hội nghị đã hoàn thành việc trang bị cho đại biểu HĐND ba cấp những vấn đề cơ bản của Luật Tổ chức HĐND&UBND. Kết luận Hội nghị, đồng chí Trần Đình Thành, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh khóa VII đã nhấn mạnh: Để những kiến thức trao đổi trong Hội nghị đi vào thực tế; để mỗi đại biểu xứng đáng với sự tin tưởng của cử tri và hoàn thành tốt nhiệm vụ, các đại biểu HĐND vẫn cần phải có sự nỗ lực phấn đấu, tiếp tục tự tìm hiểu, bồi dưỡng kiến thức từ trong thực tế, trong công tác và trong quan hệ với chính những cử tri đã bầu ra mình. 

                Nguyễn Thị Oanh