Kết quả cho thấy, các lời hứa đã được các sở, ngành nghiêm túc triển khai thực hiện, qua đó một số vấn đề đã được giải quyết, bước đầu đem lại hiệu quả, tạo được chuyển biến tích cực trên các mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số nội dung cần phải được tiếp tục xem xét, giải quyết.
* Về thực hiện thu ngân sách trên lĩnh vực khai thác khoáng sản trên địa bàn: Thời gian qua ngành Tài chính, Tài nguyên & Môi trường và cơ quan Thuế đã triển khai thực hiện các quy phạm pháp luật liên quan đến việc xác định thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn đến các doanh nghiệp được kịp thời, đúng quy định. Hầu hết các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản đều có kê khai thuế tài nguyên và nộp phí bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc tăng cường công tác quản lý nhà nước, tổ chức kiểm tra tại các cơ sở hoạt động khai thác còn hạn chế; một số cơ sở chưa chấp hành tốt các quy định của nhà nước, chưa thống nhất về cách tính, kê khai sản lượng khai thác nên việc kê khai có sự khác nhau. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chưa báo cáo đầy đủ các thông tin cần thiết về hoạt động khai thác đã làm ảnh hưởng đến việc kê khai, nộp thuế theo quy định.
* Về thực hiện thí điểm tách công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án giao thông thành tiểu dự án giao cho UBND cấp huyện thực hiện: Nhìn chung, Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH&ĐT) đã tích cực trong công tác chỉ đạo, phối hợp các ngành, địa phương và chủ đầu tư trong việc thực hiện việc thí điểm tách công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đối với dự án đầu tư Cầu Hóa An mới và dự án B.O.T đường ĐT 768 qua địa bàn thành phố Biên Hòa. Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện thí điểm trên vẫn chưa có tiến triển do việc tách tiểu dự án bồi thường giải phóng mặt bằng không rút ngắn được quy trình và thời gian so với không tách tiểu dự án bồi thường. Hơn nữa, lực lượng cán bộ công chức làm công tác bồi thường thành phố Biên Hòa có hạn, trong khi đó, nhiều dự án phải thực hiện hồ sơ bồi thường cùng lúc nên khối lượng công việc rất lớn và mất nhiều thời gian để hoàn thành.
* Về vấn đề xã hội hóa ngành giáo dục mầm non: Sở Giáo dục - Đào tạo (GD&ĐT) đã tích cực triển khai việc áp dụng mô hình của tập đoàn Phong Thái với kết quả thực hiện có nhiều chuyển biến. Theo đó, công ty Pouchen Việt Nam (xã Hóa An - TP. Biên Hòa) đã đầu tư 01 triệu USD xây dựng trường mầm non Pouchen trên diện tích 1,06 ha, qui mô 15 lớp và 500 cháu; công ty Changshin (Vĩnh Cửu) có kế hoạch đầu tư 100 ngàn USD xây dựng trường mầm non khoảng 15 lớp và thu nhận 500 cháu. Như vậy, trong điều kiện hiện nay các địa bàn xung quanh các công ty đang thiếu các cơ sở đủ điều kiện giữ trẻ, gây khó khăn cho công nhân có con trong độ tuổi mầm non và các công ty khó ổn định được nguồn lao động thì vấn đề đầu tư trường mầm non gắn với khu công nghiệp là phù hợp với xu hướng phát triển mới, là một hướng đi tích cực và cần thiết trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác giáo dục và chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh.
* Về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các mô hình liên kết đào tạo: Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập đoàn kiểm tra đối với các mô hình liên kết đào tạo trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ ngày 19/4/2011 đến ngày 12/5/2011, Đoàn đã tiến hành kiểm tra 19/83 trường TCCN, Cao đẳng, Đại học; Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh và các huyện; các trường Trung cấp, Cao đẳng nghề, trung tâm dạy nghề trên địa bản tỉnh. Như vậy, đến nay Sở GD&ĐT đã chỉ đạo rà soát, thống kê tình hình liên kết đào tạo và tham mưu UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra theo đúng kế hoạch đã đề ra.
* Về đào tạo trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ chủ chốt và công chức cấp xã: Sở Nội vụ đã tích cực phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trường Chính trị chú trọng thực hiện công tác đào tạo lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ chủ chốt và công chức cấp xã và đã đạt được kết quả khá tốt, trong đó kế hoạch năm 2011 đã xây dựng 550 chỉ tiêu đào tạo cử nhân, cao cấp lý luận chính trị, đạt 122,23% so với năm 2010.
* Về xây dựng mô hình điểm bếp ăn tập thể nhằm triển khai thực hiện công tác an toàn vệ sinh thực phẩm: Thời gian qua, Sở Y tế đã chú trọng thực hiện khá tốt chức năng quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, Sở đã tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền; xây dựng mô hình điểm về bếp ăn tập thể, tăng cường công tác thanh kiểm tra, thẩm định để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, việc quản lý như trên mới chỉ đạt hiệu quả đối với các bếp ăn tập thể và các cơ sở có đăng ký, chưa thể hiện được hiệu quả quản lý đối với thức ăn đường phố.
* Về lĩnh vực môi trường: Nhìn chung, các nội dung lời hứa về xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp; thực hiện các biện pháp để giải quyết tình trạng khai thác cát trên sông Đồng Nai và thực hiện các quy định đóng cửa mỏ đã Sở Tài nguyên&Môi trường tích cực triển khai thực hiện. Tuy nhiên, môi trường là một lĩnh vực rộng; vấn đề xử lý chất thải rắn, nước thải tại các cụm công nghiệp; giải quyết tình trạng khai thác cát trên sông Đồng Nai và thực hiện các quy định đóng cửa mỏ trên địa bàn tỉnh liên quan đến công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ chế, chính sách...do vậy, cần có sự phối hợp giải quyết của nhiều cấp, nhiều ngành có liên quan.
* Về tăng cường mối quan hệ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm: Qua báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh cho thấy, việc vận dụng quy chế liên ngành trong thực tiễn công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên quá trình thực hiện quy chế phối hợp liên ngành còn có những hạn chế cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
* Về giải pháp khắc phục tình trạng án tồn quá hạn luật định: Với số lượng án lớn như hiện nay, ngành Tòa án đã có nhiều nỗ lực trong công tác giải quyết, khắc phục tình trạng án tồn quá hạn định. Khó khăn nhất trong việc khắc phục tình trạng án tồn quá hạn luật định hiện nay là nhân sự còn hạn chế...
Qua báo cáo của lãnh đạo các sở, ngành cho thấy, thời gian qua các sở, ngành đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện các lời hứa một cách có hiệu quả nhất. Trong đó, một số nội dung được triển khai thực hiện đạt kết quả khá tốt như: công tác đào tạo lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ chủ chốt và công chức cấp xã; việc xây dựng mô hình bếp ăn tập thể tại Công ty Changshin Việt Nam; hạn chế tình trạng oan sai trong tố tụng, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong thực thi nhiệm vụ của mỗi ngành...Tuy nhiên, nhiều vấn đề do còn liên quan đến sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều cấp nên không phải một sớm một chiều là có thể thực hiện được mà cần phải được tiếp tục xem xét, giải quyết trong thời gian tới. Do vậy, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị:
- Sở Tài chính phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên Môi trường, Cục Thuế hướng dẫn doanh nghiệp khai thác khoáng sản thực hiện tốt các quy định của nhà nước; báo cáo đầy đủ các thông tin cần thiết về hoạt động khai thác; thống nhất cách tính, kê khai sản lượng khai thác; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp khai thác nhằm chống thất thoát nguồn thu và bảo vệ tài nguyên quốc gia có hiệu quả.
- Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án giao thông, vấn đề cơ bản nhất là sự phối hợp giữa UBND cấp huyện, chủ đầu tư và các ngành liên quan. Do vậy, Sở KH&ĐT cần chủ trì, tổ chức cuộc họp với UBND thành phố Biên Hòa, các Sở, ngành liên quan nhằm đánh giá kết quả việc thực hiện thí điểm đối với 02 dự án trên, trong đó xác định rõ trách nhiệm của UBND thành phố; từ đó có giải pháp thích hợp để triển khai thực hiện đối với các dự án khác.
- Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh tổ chức tổng kết đề án xã hội hóa giáo dục giai đoạn 2005 – 2010, xây dựng và triển khai thực hiện chương trình xã hội hóa giáo dục giai đoạn 2011 – 2015. Trong đó, phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban quản lý các Khu công nghiệp xây dựng, phát triển mô hình xây dựng cơ sở giáo dục mầm non trong các KCN ở những nơi có điều kiện, có nhu cầu. Mặt khác, phối hợp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá chất lượng đào tạo và các nội dung hoạt động của các cơ sở liên kết đào tạo trên địa bàn tỉnh; đồng thời kiến nghị UBND tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo các giải pháp để chấn chỉnh hoạt động, nâng cao chất lượng liên kết đào tạo trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật.
- Sở Y tế chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, nhân rộng mô hình bếp ăn tập thể trong thời gian tới, trong đó cần quan tâm triển khai mô hình đối với các nhà máy có dưới 500 lao động và dự toán kinh phí để xin chủ trương của tỉnh bố trí ngân sách; đồng thời nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh các biện pháp, giải pháp nhằm quản lý có hiệu quả đối với thức ăn đường phố để không ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.
- Sở TN&MT tăng cường phối hợp với các ngành liên quan thực hiện công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về lĩnh vực môi trường; tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương trong công tác phối hợp xử lý tình trạng khai thác cát trên sông Đồng Nai.
- Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp các ngành liên quan khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, ban hành quy chế phối hợp liên ngành. Trong quá trình thực hiện, cần tổ chức họp định kỳ theo Quy chế để rút kinh nghiệm trong quan hệ phối hợp và đề xuất các giải pháp nhằm giúp liên ngành thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
- Trong thời gian tới, Tòa án nhân dân tỉnh chú trọng vấn đề củng cố nhân sự; đánh giá nguyên nhân dẫn đến tình trạng tồn đọng các vụ án và từ đó đề ra giải pháp khắc phục.
Thùy Trang