Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 76-T7-2011

Kết quả đợt tiếp xúc giữa cử tri với những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa VIII (nhiệm kỳ 2011 - 2016)

Đăng ngày: 16/05/2013
​Tại Kỳ họp thứ Nhất HĐND tỉnh khóa VIII, Ủy ban MTTQVN tỉnh đã có thông báo kết quả đợt tiếp xúc cử tri của những người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh Đồng Nai khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016 trên địa bàn toàn tỉnh như sau:

​      ​Về công tác tổ chức, các điểm tiếp xúc đều có sự tham dự của Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở. Kết quả việc triển khai tổ chức thực hiện ở cấp huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn đều đạt mục đích, yêu cầu đề ra. Toàn tỉnh có 27 đơn vị bầu cử, tổ chức 126 điểm tiếp xúc. Tham dự các buổi tiếp xúc có hơn 8.831 cử tri tham dự, nơi tham dự đông nhất là xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc có 252 cử tri tham dự; nơi thấp nhất là xã Phú Xuân, huyện Tân Phú có 40 cử tri tham dự. 

      Hầu hết cử tri bày tỏ sự nhất trí với các  ứng cử viên do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh hiệp thương giới thiệu. Tất cả các vị ứng cử viên đều tham dự đầy đủ các buổi tiếp xúc, chuẩn bị và trình bày chương trình hành động của mình; thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc và cầu thị. Đồng thời chú ý lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng và thẳng thắn trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm. Cử tri đánh giá cao chương trình hành động của các ứng cử viên đã gắn liền với thực tiễn nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Cử tri mong muốn  các ứng cử viên nếu trúng cử thì thực hiện đúng chương trình hành động của mình. 

      Về những vấn đề cử tri quan tâm, qua kết quả tổng hợp, có 617 ý kiến của cử tri phát  biểu, tập trung vào  những nội dung trọng tâm sau :

     Về lĩnh vực kinh tế, cử tri đề nghị cần có những biện pháp để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh nhà nhằm phấn đấu đến năm 2015 Đồng Nai trở thành một tỉnh cơ bản công nghiệp hóa - hiện đại hóa như Nghị quyết đã đề ra. Ngoài ra, cần có những giải pháp tích cực hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế đầu tư mở rộng ngành nghề, phát triển sản xuất, thu hút lao động giải quyết việc làm, nhất là ở những địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Cử tri đề nghị rà soát lại toàn bộ các dự án quy hoạch trên toàn tỉnh để xóa bỏ những dự án không cần thiết, giải quyết dứt điểm các dự án chậm triển khai không để ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân; mở thêm các cơ sở chế biến nông sản thực phẩm để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần xác định rõ quy hoạch phát triển nông nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng, địa phương; áp dụng công nghệ cao để giảm thiểu chi phí và nâng cao chất lượng, tăng giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm và quản lý chặt mạng lưới dịch vụ phục vụ nông nghiệp như cung cấp cây giống, con giống, thuốc trừ sâu, phân bón… không để tư thương bán hàng giả, hàng kém chất lượng và nâng giá làm cho người sản xuất bị thiệt thòi. Cần có chính sách bảo hiểm nông sản, rủi ro trong nông nghiệp. Nên giảm bớt các khoản đóng góp của nông dân như hiện nay. Cần đầu tư thêm hệ thống điện, đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng nhất là các dự án đã được quy hoạch và phê duyệt để cho nhân dân có điện tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Về việc khai thác tài nguyên, khoáng sản phải hài hòa, đầu tư khu du lịch sinh thái phải hợp lý. Về quản lý thị trường, cần có biện pháp tích cực ổn định giá cả trước tình hình lạm phát hiện nay,  nhất là các sản phẩm thiết yếu liên quan đến cuộc sống của người dân; đẩy mạnh và duy trì các chương trình bình ổn giá kể cả các siêu thị và các chợ  trong tỉnh để góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân.

      Vấn đề văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục, cần có kế hoạch đưa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các đoàn ca múa nhạc về với nông thôn. Tăng cường đầu tư cơ sở giáo dục Mầm non ở nông thôn, nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và có chế độ miễn giảm học phí cho học sinh nghèo; Đẩy nhanh các dự án xây dựng trường Tiểu học và Trung học cơ sở (cụ thể như phường Tân Phong, xã Tân Hạnh, thành phố Biên Hòa và xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch hiện chưa có trường Trung học cơ sở; phường Trảng Dài cần thêm 02 trường Tiểu học...) 

      Về xã hội, cần giải quyết tốt vấn đề tệ nạn như ma tuý, mại dâm, các băng nhóm thanh niên quậy phá, thanh toán nhau bằng mã tấu... Có biện pháp ngăn chặn nạn bạo hành trẻ em, bạo lực gia đình; Cần đầu tư xây dựng các khu vui chơi giải trí cho thanh thiếu niên, tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh nhằm từng bước giảm dần các tệ nạn xã hội. Đẩy  mạnh chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt cần xem xét lại thái độ phục vụ và tư cách của đội ngũ y, bác sĩ tại các bệnh viện trong tỉnh; việc khám chữa bệnh diện Bảo hiểm y tế không đạt tiêu chuẩn, thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải bệnh nhân, quá tải giường bệnh, nhà vệ sinh không đảm bảo gây phiền hà, chưa tạo được sự tin tưởng và yên tâm khám chữa bệnh của bệnh nhân.

      Về lĩnh vực môi trường, cần có các biện pháp kiên quyết xử lý đối với các cơ sở gây ô nhiễm nhằm bảo vệ môi trường, nguồn nước đảm bảo sức khỏe và cuộc sống của người dân (ở Định Quán có Công ty Cổ phần mía đường La Ngà và Công ty Maury AB Việt Nam gây ô nhiễm; suối Săn Máu ở thành phố Biên Hòa ô nhiễm nặng… ); Kiên quyết di dời các hộ dân sống trên sông thuộc các khu vực để bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai. Cử tri cho biết thêm, hiện nay nguồn nước phục vụ sinh hoạt của người dân trên địa bàn một số xã ở huyện Trảng Bom, Xuân Lộc và Nhơn Trạch đang bị nhiễm phèn nặng; một số phường tại thành phố Biên Hòa nằm trong vùng bị nhiễm Dioxin nhưng không được sử dụng nước sạch… Kiến nghị có biện pháp xử lý hỗ trợ để cải thiện tình hình tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Ngoài ra, đề nghị các ngành chức năng xem xét nạo vét hệ thống thoát nước trên các tuyến đường tỉnh, huyện để mùa mưa không bị ứ đọng, ngập nước; gây khó khăn cho người tham gia giao thông.

tong hop ykct uct.jpg
Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Nguyễn Thị Kim Liên báo cáo kỳ họp thứ nhất về tổng hợp ý kiến của cử tri trong các cuộc tiếp xúc giữa những người ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh khóa VIII​ 

      Vấn đề cải cách thủ tục hành chính, cử tri đề nghị các cơ quan, đơn vị trong tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính và xem đây là khâu chính trong việc thực hiện phòng chống tham nhũng. Đề nghị chính quyền các cấp trong lĩnh vực giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân, đặc biệt là đối với vấn đề đền bù, giải tỏa, tái định cư nên đôn đốc, giải quyết nhanh chóng để nhân dân khỏi thiệt thòi quyền lợi; Cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của bộ phận một cửa (ở cấp xã, cấp huyện) nhất là trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và đất ở. Vì hiện nay trong lĩnh vực này việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và đất ở còn rất chậm, nhân dân trong toàn tỉnh rất bức xúc. Liên quan đến vấn đề quản lý về hành chính, cử tri đề nghị cho chia tách các ấp, khu phố có đông dân cư sinh sống ở một số xã, phường (phường Trảng Dài, phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa; xã Bắc Sơn, Bình Minh, huyện Trảng Bom) để thuận tiện cho việc quản lý địa giới.

      Bên cạnh đó, cử tri cũng đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh quan tâm xem xét chế độ phụ cấp cho cấp Phó ở ấp, khu phố vì hiện nay ở các ấp, khu phố dân cư ngày càng đông, địa bàn rộng rất khó khăn cho việc quản lý đối với Trưởng ấp, khu phố. Về hoạt động của đại biểu, cử tri mong muốn các đại biểu nâng cao hơn nữa năng lực hoạt động của từng đại biểu nói riêng và hoạt động của Hội đồng Nhân dân các cấp nói chung, xứng đáng là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, thường xuyên giữ mối liên hệ, tham khảo những ý kiến của cử tri trong việc đóng góp xây dựng các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

                                                                                     Kim Chung