Ngày 1 tháng 7 năm 2025 - 22:32:35 | |  |
|
Liên kết website
Specified argument was out of the range of valid values.
Hỗ trợ cho người nghèo - một trong những biện pháp bảo đảm an sinh xã hội Đăng ngày: 01/09/2009
UBND Tỉnh vừa ban hành văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp trong tỉnh xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 09 tháng 1 năm 2009 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm, duy trì đà tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó việc hỗ trợ cho người nghèo là một trong những mục tiêu cụ thể để thực hiện chủ trương bảo đảm an sinh xã hội.
 |
Hỗ trợ cho người nghèo-một biện pháp bảo đảm an sinh xã hội | Năm 2009, kinh tế nước ta tiếp tục đứng trước nhiều khó khăn và thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu cao của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn dân nhằm đạt được mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2009 theo đúng mục tiêu Nghị quyết của Quốc hội, của HĐND các cấp, trong đó hai nhiệm vụ trọng tâm là tập trung mọi nỗ lực để chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội. Do ảnh hưởng những biến động của nền kinh tế vĩ mô dẫn đến thu nhập của đại bộ phận dân cư trong thời gian qua sụt giảm, đã ảnh hưởng đến đời sống, nhất là đời sống những người làm công ăn lương, đồng bào vùng bị thiên tai, gia đình chính sách, gia đình neo đơn, học sinh, sinh viên … đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Khi giá lương thực, thực phẩm tăng cao, người sản xuất hầu như không được hưởng lợi đáng kể do giá nguyên liệu, vật tư đầu vào cũng tăng vọt, do tiềm lực kinh tế không mạnh nên họ thường chỉ mua vật tư nguyên liệu sát thời điểm cần sử dụng, hơn nữa phần lớn lợi nhuận thu được đều được đầu tư vào vụ mùa tiếp theo, khi đã chốt giá vật tư nguyên liệu tại thời điểm cao. Đến khi giá nông sản giảm sút mạnh, người nông dân lại càng bị thiệt thòi. Hiện nay, theo một số kết quả nghiên cứu dự báo, tới đây vấn đề việc làm sẽ gặp khó khăn do tác động trễ của lạm phát, cũng như tác động từ suy giảm kinh tế. Ngoài ra, các biến động trên các thị trường chủ yếu ( thị trường vàng, chứng khoán…) cũng khiến một bộ phận nhân dân bị nghèo hóa, thậm chí đã có một số dự báo của các chuyên gia tâm lý về một thời kỳ stress nặng nề dẫn đến những hành vi tiêu cực của những người gặp thất bại trên các thị trường.
Đối với tỉnh Đồng Nai, ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu luôn luôn có mối liên hệ mật thiết. Do đặc điểm là một tỉnh công nghiệp hóa cao, nhiều công ty đa quốc gia đứng chân trên địa bàn, nay những biến động từ công ty mẹ đã dẫn đến việc giảm sản xuất, dẫn đến cắt giảm lao động. Trong thời gian cách đây chưa lâu, khi mà đà phát triển công nghiệp ồ ạt, nhiều nhà máy “đói” lao động đã liên tục hạ thấp tiêu chí tuyển dụng để thu hút nguồn nhân lực nhằm thực hiện đủ đơn hàng. Thì giờ đây chính những người lao động không có trình độ này sẽ đứng trước nguy cơ bị tách rời khỏi guồng máy sản xuất đầu tiên, gây nên một hệ quả không nhỏ cho xã hội. Không những thế, do đặc điểm sản xuất công nghiệp hiện đại, mỗi người lao động chỉ biết 1 công đoạn (thường là rất đơn giản) trong dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp, dẫn đến họ hầu như không có chuyên môn nghiệp vụ gì để có thể tự xoay xở tìm kế mưu sinh mới.
Như vậy, suy thoái kinh tế toàn cầu đã và sẽ dẫn đến nhiều hệ quả tất yếu cho xã hội, đòi hỏi các biện pháp điều hành của Chính phủ và các ngành, các cấp. Tuy nhiên, nhiều biện pháp hỗ trợ cho người nghèo lâu nay còn gặp nhiều bất cập. Cụ thể một số chương trình hỗ trợ với đơn giá cũ, không tính đến yếu tố trượt giá (ví dụ xây nhà cho người nghèo vẫn theo đơn giá cũ)… khiến cho hiệu quả hỗ trợ thấp đi. Trong khi người nghèo bị thua thiệt nhiều do tăng giá, thì họ không có được những hỗ trợ kịp thời trong lúc khó khăn. Ở địa phương, có những hộ cận nghèo khi tăng giá bị rơi vào hộ nghèo, nhưng không được hỗ trợ ngay, vì còn phải đợi đến cuối kỳ, cuối năm mới tiến hành bình xét theo tiêu chí.
Trong thời gian tới, việc thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo trong lạm phát, nhất là trong bối cảnh suy giảm kinh tế cần xây dựng một cơ chế “trượt giá” linh hoạt cho các chương trình hỗ trợ người nghèo, coi đó là ưu tiên số 1. Cơ chế này cũng cần được giao cho các địa phương quyết định, để có cơ sở thực hiện trúng đối tượng. Như vậy, theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, nhà nước cần xây dựng một cơ chế phản ứng nhanh để sớm xác định các đối tượng cần được hỗ trợ ngay, mà không cần đến một chuẩn nghèo mới. Mặt khác, cần thiết lập thử nghiệm một quỹ dự phòng ở cấp địa phương, để có thể giúp đỡ người dân một cách nhanh chóng, kịp thời trong hoàn cảnh đặc biệt (lạm phát tăng cao, suy giảm kinh tế trầm trọng...). Cách hỗ trợ người nghèo hiệu quả nhất là hỗ trợ trực tiếp cho họ để khôi phục lại sản xuất thông qua các biện pháp: giảm các loại phí, trợ cấp trực tiếp giống, vật tư có kiểm soát. Trong bối cảnh sản xuất đình trệ hiện nay, người lao động bị ảnh hưởng càng làm cho tác động lên người nghèo thêm nặng nề. Ngoài ra, cần sớm có chương trình hỗ trợ việc làm để đối phó với khả năng nền kinh tế bị giảm tốc do ảnh hưởng của lạm phát thời gian qua, cũng như ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu.
Kim Chung
|
|
|