Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 52-T04.2009

Khai thác khoáng sản trái phép – Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm chính?

Đăng ngày: 01/09/2009
Tài nguyên khoáng sản là nguồn của cải quý, thuộc sở hữu Nhà nước, là nguồn lực quan trọng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nên phải quy hoạch sử dụng có hiệu quả nhằm góp phần vào tăng trưởng chung và bền vững của nền kinh tế. Bảo vệ, khai thác khoáng sản kết hợp với chế biến, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có dự trữ lâu dài đối với các loại khoáng sản là nhiệm vụ của mọi tổ chức và cá nhân.
Ông Dương Anh-Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán phát biểu với đoàn giám sát của Ban KTNS về khai thác trái phép trên địa bàn
Căn cứ vào kết quả điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản trên địa bàn tỉnh cũng như hiện trạng khai thác khoáng sản trong nhiều năm qua; những dự báo về nhu cầu sử dụng trong giai đoạn tới và căn cứ các quy hoạch có liên quan; UBND tỉnh đã triển khai Nghị quyết số 72/2006/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Đến nay, hầu hết các địa phương trong tỉnh đã công bố bản đồ quy hoạch, thăm dò khoáng sản, cũng như thực hiện chức năng cấp phép khai thác khoáng sản và kiểm tra xử phạt theo thẩm quyền đối với các vụ việc vi phạm Luật Tài nguyên khoáng sản. Thế nhưng, thực tế tình trạng khai thác tài nguyên - khoáng sản trái phép vẫn xảy ra ở các địa phương và còn bộc lộ nhiều hạn chế trong việc quản lý tài nguyên - khoáng sản. Qua đợt khảo sát của ban Kinh tế Ngân sách đối với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 72/2006/NQ-HĐND cho thấy:

  Ở huyện Vĩnh Cửu, trong năm 2008 cũng đã xử phạt hành chính 9 trường hợp khai thác TNKS trái phép, chủ yếu là vi phạm về khai thác đất với số tiền lên đến hàng chục triệu đồng. Song, việc ngăn chặn khai thác cát trái phép trên sông cũng còn gặp nhiều khó khăn tại địa phương này, bởi đoạn sông chảy qua huyện lại thuộc địa phận quản lý của cả 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Các đối tượng khai thác cát chủ yếu thực hiện vào ban đêm và mỗi khi bị kiểm tra thì họ chạy sang địa phận khác hoặc nhấn chìm ghe. Để ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép, huyện Vĩnh Cửu đã thành lập các tổ kiểm tra trên sông Đồng Nai, đoạn qua huyện Vĩnh Cửu, đồng thời xây dựng quy chế phối hợp trong công tác kiểm tra, xử lý khai thác cát trái phép với huyện Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) và có kế hoạch phối hợp giữa Công an huyện với Phòng CSGT đường thủy - Công an Đồng Nai. Tuy có sự phối hợp chặt chẽ như vậy, nhưng trong năm 2008, các ngành chức năng của huyện Vĩnh Cửu cũng chỉ xử lý được ba trường hợp vi phạm khai thác cát trên sông Đồng Nai; việc bắt quả tang để xử lý ít vì các cá nhân khai thác cát chủ yếu vào ban đêm đã gây không ít khó khăn cho lực lượng kiểm tra, khi bị phát hiện, các đối tượng đã nhấn chìm ghe hút cát và bỏ chạy.

 Năm 2008, các cơ quan chức năng ở huyện Long Thành đã xử lý 15 trường hợp vi phạm về mua bán, vận chuyển, khai thác tài nguyên - khoáng sản. Sở tài nguyên - môi trường đã phát hiện mỏ đá 610 hoạt động không đúng theo thiết kế kỹ thuật. Đáng lưu ý là mặc dù trên địa bàn huyện Long Thành không còn giấy phép về khai thác cát trên sông rạch nhưng tình trạng bơm hút cát trái phép vẫn còn xảy ra khá thường xuyên.

Thành phố Biên Hòa, trong năm qua, Đoàn kiểm tra khai thác cát đã bắt quả tang 16 trường hợp khai thác trái phép tại các kênh rạch sông suối trên địa bàn Biên Hòa và đã xử lý tịch thu các phương tiện, ngoài ra còn xử lý 07 phương tiện có kết cấu đặc thù bơm hút cát. Riêng cuối năm 2008 và đầu năm 2009 Đoàn kiểm tra còn bắt quả tang, tạm giữ và xử lý 05 phương tiện bơm hút cát tại phường Thống Nhất, Tân mai, Bửu Long. Với chỉ đạo xử lý cương quyết của thành phố, nhưng các vụ vi phạm vẫn gia tăng.

Theo UBND huyện Định Quán, khai thác tài nguyên - khoáng sản trái phép tại địa phương chủ yếu là khai thác đất và cát. Trong năm 2008, huyện đã kiểm tra xử phạt hành chính trên 8 triệu đồng với 7 đối tượng mua bán, vận chuyển cát trái phép và xử lý 9 bãi cát hoạt động bất hợp pháp, tịch thu 1.240m3 cát. Tuy nhiên, số vụ vi phạm được phát hiện xử phạt còn quá thấp so với tình trạng vi phạm khai thác tài nguyên - khoáng sản ở Định Quán. Các vụ vi phạm về khai thác đất trái phép xảy ra là do đối tượng lợi dụng việc xin cải tạo đất, đào ao nuôi cá để lấy đất đi bán thay vì phải lập thủ tục khai thác theo quy định và tình trạng khai thác cát trái phép trên sông La Ngà và sông Đồng Nai còn khá phức tạp. Đề cập tới tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra tại địa bàn 2 xã: Thanh Sơn và Ngọc Định, ông Dương Anh, Phó chủ tịch UBND huyện, cho biết: "Huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, xử lý nhiều đối tượng, bến bãi vi phạm, nhưng vẫn không chặn đứng được tình trạng này! Các đối tượng khai thác cát trái phép dùng nhiều thủ đoạn để qua mặt cơ quan chức năng như: nhấn chìm ghe trên sông khi bị truy đuổi hay để tránh cát bị tịch thu tại các bến bãi, các đối tượng khai thác cát không đưa lên bãi mà bơm thẳng lên xe tải".

Theo số liệu báo cáo của các huyện, số vụ vi phạm về khai thác tài nguyên - khoáng sản được phát hiện xử lý còn quá ít so với thực tế xảy ra, do các phương tiện hoạt động của Đoàn kiểm tra còn hạn chế, muốn bắt quả tang phải có lực lượng mai phục vào ban đêm, khu vực vi phạm lại giáp ranh tỉnh Bình Dương, khi bị phát hiện, đối tượng di chuyển vào bờ phía Bình Dương rất khó bắt quả tang; mức xử phạt vi phạm cũng còn quá nhẹ so với lợi nhuận của việc khai tài nguyên - khoáng sản trái phép. Một nội dung quan trọng nữa là việc khai thác trái phép còn phụ thuộc vào nhu cầu xây dựng trên địa bàn, như ở Định Quán, có thời gian UBND tỉnh đã quyết định ngưng khai thác cát của Công ty Đồng Tân, nhưng nhu cầu xây dựng các công trình của dân cư và của các dự án đầu tư trên địa bàn huyện vẫn tiếp tục, nguồn cung không có, dĩ nhiên là hoạt động trái phép gia tăng để đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu xây dựng trên địa bàn. Tại buổi làm việc của Ban KTNS với huyện Định Ông Dương Anh, Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán, cho rằng: "Nếu đoạn sông Đồng Nai qua địa bàn huyện được cấp phép cho doanh nghiệp khai thác sẽ loại trừ được nạn khai thác bất hợp pháp, đồng thời còn có thể giám sát việc khai thác đảm bảo đúng kỹ thuật, đảm bảo môi trường khu vực khai thác".  

 UBND huyện Vĩnh Cửu nêu lên một thực tế là sau khi giấy phép của các đơn vị khai thác tài nguyên - khoáng sản trên địa bàn huyện đã hết hạn thì việc lập các thủ tục đóng cửa mỏ cũng không được ai quan tâm. Do vậy, tại các khu vực này do chưa bàn giao cho địa phương quản lý, khó tránh khỏi việc khai thác trái phép xảy ra.

 Nghị quyết số 72/2006-NQ-HĐND của HĐND tỉnh đã nhấn mạnh đến việc tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản, trong đó nêu rõ: Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch về tài nguyên khoáng sản; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý những hành vi vi phạm quy hoạch theo quy định của pháp luật. UBND các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm chính trong việc theo dõi việc thực hiện quy hoạch về tài nguyên khoáng sản tại địa phương. Khi phát hiện những trường hợp vi phạm quy hoạch đã được công bố thì xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý. Đồng thời trong Nghị quyết HĐND tỉnh cũng đã nhất trí thông qua Tờ trình số 319A/TTr-UBND về quy định: Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm chính về việc không ngăn chặn, không xử lý kịp thời để xảy ra trường hợp khai thác không phép, khai thác trái phép và trường hợp vi phạm quy hoạch khoáng sản tại địa phương.

Như vậy một trong những biện pháp để quản lý tài nguyên - khoáng sản có hiệu quả được các cơ quan chức năng đưa ra là các địa phương phải giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác giám sát, kiểm tra nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác tài nguyên - khoáng sản.

 Nguyễn Thị Phi