 |
Ông Phạm Ngọc Tuấn-Phó Ban Pháp chế HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát kết quả xét xử án dân sự |
Trong đó, Toà án cấp tỉnh đã thụ lý 494 vụ, việc và đã giải quyết được 478 vụ, việc , đạt tỷ lệ 96,8% (gồm sơ thẩm 48 vụ, phúc thẩm 421 vụ, giám đốc thẩm 09 vụ); Tổng số án dân sự của Tòa án nhân dân tỉnh bị hủy trong năm 2008 là 17 vụ, trong đó án phúc thẩm của TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh hủy 05 vụ; số án bị hủy theo trình tự giám đốc thẩm là 12 vụ (trong đó có nhiều vụ của năm 2007 trở về trước chứ không phải chỉ có án của năm 2008); Tổng số án dân sự của Tòa án nhân dân tỉnh bị sửa trong năm 2008 là 05 vụ, trong đó có 1 vụ sửa toàn bộ và 4 vụ sửa một phần.
Toà án cấp huyện đã thụ lý 2643 vụ, việc và đã giải quyết được 2365 vụ, việc, đạt tỷ lệ 89,5 %; Số vụ hòa giải thành là 737 vụ, chiếm tỷ lệ 26%; Trong số 2365 vụ án dân sự sơ thẩm đã giải quyết có 412 vụ bị kháng cáo, 16 vụ bị kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm; Tổng số án sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp huyện bị hủy trong năm 2008 là 28 vụ, trong đó có 26 vụ bị cấp phúc thẩm hủy và 2 vụ bị hủy theo trình tự Giám đốc thẩm; Tổng số án sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp huyện bị sửa trong năm 2008 là 137 vụ, trong đó có 33 vụ sửa toàn bộ, 104 vụ sửa 1 phần.
Nguyên nhân của việc hủy và sửa án dân sự của cả hai cấp tỉnh và huyện có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan như:
* Về nguyên nhân khách quan: Tại cấp phúc thẩm, các đương sự tự thỏa thuận hoặc rút bớt yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu khởi kiện độc lập có lợi cho những đương sự khác hoặc một trong các bên đương sự xuất trình bổ sung thêm được những chứng cứ mới làm thay đổi các tình tiết của vụ án dẫn đến việc hủy, sửa án.
Ngoài ra, do có sự thay đổi pháp luật tố tụng dân sự về nghĩa vụ chứng minh của đương sự trong việc giải quyết các vụ việc dân sự và đương sự có thể xuất trình chứng cứ ở bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình giải quyết vụ án, vì vậy có trường hợp đương sự lạm dụng pháp luật tố tụng đã cố tình không cung cấp chứng cứ ở cấp phúc thẩm, đến giai đoạn phúc thẩm đương sự xuất trình chứng cứ mới dẫn đến hủy, sửa bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Hoặc do số liệu đo đạc, định giá ở cấp sơ thẩm, cơ quan chuyên môn cung cấp không chính xác mà tại cấp phúc thẩm đương sự có thắc mắc, khiếu nại yêu cầu xác minh lại có số liệu thay đổi dẫn đến việc phải sửa án mà không phải do lỗi của Thẩm phán và HĐXX cấp sơ thẩm. Mặt khác, Bộ luật dân sự và Bộ Luật tố tụng dân sự quy định về đường lối và cách thức giải quyết một vụ án, tuy nhiên một số Văn bản pháp luật quy định không rõ ràng, cụ thể; một số quy định chưa được hướng dẫn kịp thời dẫn đến việc hiểu các qui định của pháp luật giữa các cấp không thống nhất…
Do áp lực đối với thẩm phán rất lớn dẫn đến án bị hủy sửa…như trong năm 2008 có những đơn vị thụ lý giải quyết án tăng, nhất là án dân sự rất đa dạng và phức tạp, trong khi đội ngũ thẩm phán chưa đủ để đáp ứng. năm 2008 bình quân mỗi Thẩm phán giải quyết 9,3 vụ/tháng, trong khi đó chỉ tiêu của ngành mỗi Thẩm phán giải quyết 3-5 vụ/tháng.
Do thường xuyên có biến động về đất đai đối với những vùng có khu công nghiệp, đất quy hoạch… đặc biệt là giá trị đất ngày càng tăng cao ở các địa phương thuộc tỉnh Đồng Nai, vì vậy các tranh chấp về đất đai ngày càng nhiều với tính chất và mức độ ngày càng gay gắt, phức tạp. Trong khi công tác hòa giải ở cơ sở đối với các tranh chấp đất đai còn nặng tính hình thức, chưa được chú trọng đúng mức, nhiều địa phương hòa giải không đúng thành phần, nội dung hòa giải sơ sài, không kiên trì hòa giải (thường chỉ hòa giải một lần hoặc mời hòa giải một lần mà có một bên vắng mặt lập biên bản hòa giải không được rồi chuyển hồ sơ cho Tòa án, không lập biên bản hòa giải lại).
Công tác xét, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở hầu hết các địa phương còn rất nhiều sai sót, cụ thể: cấp nhầm thửa, chồng chéo các thửa (cùng diện tích đất cấp cho hai người, diện tích đất cấp chênh lệch nhiều so với diện tích đất thực tế sử dụng. Cấp đất cho một bên khi cả hai bên đều đăng ký kê khai mà chưa được giải quyết tranh chấp. Cấp đất cho một người nhưng đất người khác đang quản lý, sử dụng nhưng không có ý kiến của người đang quản lý sử dụng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không thu thập giấy tờ hợp lệ chứng minh nguồn gốc đất (nhiều trường hợp chỉ là giấy photo, giấy tờ đã bị tẩy xóa số liệu… là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tranh chấp. Công tác lập bản đồ còn nhiều sai sót nên khi có tranh chấp rất khó xác định đất thực tế thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ai, thuộc thửa nào. Việc lưu trữ tài liệu, hồ sơ (đặc biệt là các hồ sơ, tài liệu liên quan đến quyền sử dụng đất, nhà ở của các năm trước) không đầy đủ gây rất nhiều khó khăn cho việc thu thập chứng cứ.
Các tranh chấp có nhân tố nước ngoài cần phải tiến hành các thủ tục uỷ thác tư pháp, hợp pháp hóa lãnh sự các giấy tờ, tài liệu của cơ quan thẩm quyền nước ngoài cấp. Hiện nay Tòa án tỉnh Đồng Nai không có thông tin cập nhật để biết nước nào đã ký hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam, nước nào trong danh sách miễn hợp pháp hóa lãnh sự với Việt Nam nên gặp nhiều lúc túng, khó khăn trong việc thu thập chứng cứ, tài liệu …
* Về nguyên nhân chủ quan: Tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ, công chức tòa án, kể cả số ít lãnh đạo, thẩm phán tòa án cấp huyện chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay. Năng lực, trình độ của Thẩm phán chưa đồng đều, một vài thẩm phán chưa nêu cao tinh thần học tập, rèn luyện kỹ năng chuyên môn, ít nghiên cứu văn bản pháp luật nên năng lực và trình độ chuyên môn còn hạn chế, do vậy gặp những vụ án có tính chất phức tạp thì lúng túng dẫn đến sai sót; trình độ năng lực một số hội thẩm tòa án chưa đáp ứng kịp yêu cầu ngày càng cao của công tác xét xử các loại án trong tình hình hiện nay, công tác tập huấn nghiệp vụ chưa làm thường xuyên nên cũng ảnh hưởng đến chất lượng công tác xét xử.
Về việc giải quyết án, có thẩm phán khi xét xử còn chủ quan về đánh giá chứng cứ, chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử, dẫn đến việc giải quyết vụ án còn sai sót, bị hủy sửa; nhiều bản án đã áp dụng sai pháp luật, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như: bỏ sót tư cách người tham gia tố tụng; thu thập chứng cứ để xác định thẩm quyền trình tự, thủ tục định giá không đúng luật định..; điều tra thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, đánh giá chứng cứ chưa toàn diện, biên bản nghị án và quyết định của bản án không phù hợp; có trường hợp xử sai khoản, sai thẩm quyền, giải quyết không đủ yêu cầu của đương sự. Có trường hợp, thẩm phán ra quyết định công nhận thỏa thuận không đúng quy định, áp dụng sai quy định của Bộ luật dân sự, tính lãi suất trong các vụ tranh chấp sai "Những thiếu sót trên là do thẩm phán nghiên cứu hồ sơ, nghiên cứu các văn bản pháp luật không kỹ"; việc hiểu và vận dụng chưa sâu sát các qui định của pháp luật dẫn đến đường lối giải quyết án không chính xác; cấp sơ thẩm giải quyết vượt quá yêu cầu khởi kiện của đương sự; thiếu sót trong việc áp dụng pháp luật hoặc tính sai lãi suất; tính án phí không chính xác.