1. Về nội dung Dự thảo Tờ trình Chính phủ về Dự án Luật Thể thức trưng mua, trưng dụng tài sản:
- Về sự cần thiết phải ban hành Luật Thể thức trưng mua, trưng dụng tài sản: Qua xem xét 3 lý do phải ban hành Luật, nhất trí với ý kiến của Bộ Tài chính v/v ban hành Luật Thể thức trưng mua, trưng dụng tài sản là cần thiết. Tuy nhiên trong lý do thứ 2, Bộ Tài chính có đặt vấn đề “người có tài sản bị trưng mua, trưng dụng được thanh toán hoặc bồi thường theo giá thị trường tại thời điểm quyết định trưng mua hoặc trưng dụng”( xem trang 3)theo chúng tôi cần được cân nhắc thêm 2 việc, Một là giá thanh toán và Hai là thời điểm định giá thanh toán (trong phần tham gia ý kiến nội dung dự thảo Luật tôi sẽ có ý kiến cụ thể về việc này).
- Về quan điểm và nguyên tắc xây dựng Luật: nhất trí với ý kiến của Bộ Tài chính trình.
- Về bố cục Dự án Luật Thể thức trưng mua, trưng dụng tài sản: bố cục như thế là phù hợp.
- Về tên gọi của Dự án Luật Thể thức trưng mua, trưng dụng tài sản: tên gọi như trong Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội là đầy đủ hơn, đề nghị giữ nguyên tên gọi là “Dự án Luật Thể thức trưng mua, trưng dụng tài sản của cá nhân, tổ chức”.
- Về hình thức quyết định trưng mua, trưng dụng: nhất trí với hình thức trưng dụng, trưng mua mà Bộ Tài chính đề nghị : Quyết định trưng mua tài sản phải được thể hiện bằng văn bản. Quyết định trưng dụng có thể thể hiện bằng văn bản hoặc bằng lời nói. Tuy nhiên, trường hợp quyết định trưng dụng bằng lời nói, thì trong thời hạn 24 giờ phải chuyển sang quyết định bằng văn bản.
- Về thẩm quyền quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản: Trong Tờ trình, để hạn chế tình trạng lạm quyền khi thi hành công vụ của các địa phương, Bộ Tài chính đề nghị Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền quyết định việc trưng mua, trưng dụng (không giao quyền quyết định cho Chủ tịch UBND cấp xã) nhưng lại đề nghị giao cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang được quyền trưng dụng trong một số trường hợp. Như vậy, đã hạn chế, không giao quyền quyết định cho Chủ tịch UBND cấp xã, vì sợ lạm quyền mà mở rộng quyền cho Cán bộ, chiến sỉ lực lượng vũ trang, như vậy là không hợp lý. Đề nghị nên giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền quyết định việc trưng mua, trưng dụng; Chủ tịch UBND cấp xã được quyền quyết định trưng dụng.
- Về việc giải quyết các trường hợp đã trưng mua, trưng dụng tài sản trước khi Luật này có hiệu lực thi hành: Theo phân tích của Bộ Tài chính, việc thực hiện Luật này phải đảm bảo mặt bằng chính sách khi giải quyết thanh toán đối với những trường hợp chưa xử lý xong. Tuy nhiên, cần có những quy định cụ thể để xử lý các trường hợp khiếu kiện kéo dài, đặc biệt là giá thanh toán cho những trường hợp khiếu kiện kéo dài không phải do lỗi của người có tài sản bị trưng dụng, trưng mua. Trong trường hợp này không thể áp dụng giá trưng mua, trưng dụng tại thời điểm trưng mua, trưng dụng để thanh toán cho dân được.
2. Về nội dung Dự thảo Luật Thể thức trưng mua, trưng dụng tài sản (dự thảo lần 11): về cơ bản nhất trí với Dự thảo, bên cạnh đó, xin đóng góp ý kiến vào một số điều khoản như sau:
- Điều 9 Huỷ bỏ quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản
Đề nghị sửa đổi lại quy định trong khoản 2 điều này như sau:
+ mục a) Người có thẩm quyền quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản thì có trách nhiệm huỷ bỏ quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản khi tự phát hiện quyết định của mình thuộc các trường hợp nêu tại khoản 1 điều này hoặc khi cơ quan kiểm tra, giám sát yêu cầu huỷ bỏ quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản do quyết định ấy trái với quy định của pháp luật hiện hành.
+ mục b) Trường hợp người đã ra quyết định trưng mua, trưng dụng không ra quyết định hủy bỏ đúng thời gian mà cơ quan kiểm tra, giám sát quy định thì Thủ trưởng cơ quan cấp trên ra quyết định hủy bỏ.
- Điều 13. Thông báo việc trưng mua tài sản: Đề nghị bổ sung giá thanh toán vào khoản 2 nội dung thông báo việc trưng mua tài sản.
- Điều 17. Bàn giao, tiếp nhận tài sản trưng mua: Đề nghị bổ sung khoản 4 quy định về số lượng biên bản được lập và tên người nhận biên bản
- Điều 18. Giá trưng mua tài sản: Đề nghị bổ sung quy định về thời điểm xác định giá trưng mua. Theo tôi, thời điểm xác định giá trưng mua là thời điểm thanh toán giá trị tài sản trưng mua.
- Điều 19. Thanh toán tiền trưng mua tài sản: Đề nghị bổ sung vào khoản 1 quy định về thời hạn thanh toán tiền trưng mua tài sản trong những trường hợp đặc biệt không thể thực hiện được như quy định tại mục a), b) của khoản này.
- Điều 24. Thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản: Đề nghị sửa đổi mục c) như là: Chủ tịch UBND xã được quyền quyết định việc trưng dụng tài sản. Chính phủ quy định chi tiết về loại tài sản trưng dụng theo các trường hợp cụ thể.
- Điều 26. Nội dung của quyết định trưng dụng tài sản: Do khoản 2 của điều này có quy định về việc trưng dụng người điều khiển phương tiện, do vậy ngoài quy định về việc bồi thường, tôi đề nghị bổ sung rõ chính sách đối với người này khi thực hiện nhiệm vụ của họ theo quyết định trưng dụng.
- Điều 32. Thủ tục hoàn trả tài sản trưng dụng: Đề nghị bổ sung vào khoản 4, nội dung biên bản: đ) Các loại bồi thường thiệt hại
- Điều 53. Khen thưởng: Đề nghị thay cụm từ “hoạt động” thành cụm từ “thực hiện tốt các quy định của Luật”
Nguyễn Thị Tuyết Nga-Trưởng ban Ban KT&NS