Trong thời gian qua, Sở Giáo dục - Đào tạo đã chủ động và có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức thực hiện 6 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục - đào tạo, trong đó có 2 dự án là Đổi mới chương trình, nội dung sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy và Tăng cường cơ sở vật chất trường học đã góp phần đưa các chương trình giáo dục của các trường trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp và ổn định.
- Thực hiện Dự án đổi mới chương trình, nội dung sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy bắt đầu được thực hiện từ năm học 2002-2003. Mục tiêu của dự án là cung cấp sách giáo khoa, sách tham khảo cho giáo viên; sách cho học sinh viện chính sách và học sinh thuộc xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; thiết bị dạy học theo danh mục tối thiểu của Bộ giáo dục- đào tạo và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên dạy theo chương trình, sách giáo khoa mới. Kinh phí thực hiện bình quân là 16,5 tỉ/năm từ nguồn ngân sách tỉnh. Sở GD-ĐT đã thực hiện việc cung cấp thiết bị, sách giáo khoa theo danh mục tối thiểu Bộ GD-ĐT ban hành hằng năm; các đơn vị trường học đã nhận đây đủ sách, thiết bị theo danh mục và định mức. Sách giáo khoa được cung cấp kịp thời ngay từ đầu năm học và đa số các trường tiểu học có tủ đụng thiết bị ngay tại lớp học nên thuận tiện trong bảo quản và sử dụng. Nhiều trường THCS, những trường mới được xây dựng có phòng chức năng, phòng bộ môn nên thiết bị được sắp xếp ngăn nắp nên tầng suất sử dụng trang thiết bị trong giảng dạy khá cao. Đồng thời giáo viên các trường của lớp thay sách đều được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ trong hè.
- Đối với Dự án tăng cường cơ sở vật chất trường học, với mục tiêu là xây dựng bổ sung các phòng học và các công trình phụ trợ cho các trường tiểu học, trường mầm non; đầu tư tăng cường cơ sở vật chất nhu xây phòng thí nghiệm, thư viện, mua sắm bổ sung máy móc thiết bị đồ dùng dạy học…Nguồn vốn của dự án do ngân sách trung ương phân bổ năm 2006 tỉnh được giao dự toán là 1,1 tỉ đồng. Sở GD&ĐT đã phân về cho các huyện để chi hỗ trợ mua sắm thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập trong nhà trường.
Theo phản ánh của các trường học và phòng giáo dục tại các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Nhơn Trạch, đoàn giám sát ghi nhận tình trạng thiết bị đưa về chậm so với chương trình, một số không đảm bảo chất lượng, không phù hợp yêu cầu giảng dạy, nhiều thiết bị chưa được khai thác triệt để....Việc thiếu cán bộ chuyên trách thiết bị, thư viện ở các trường dẫn đến tình trạng thiết bị chưa được bảo quản, sách và đồ dùng dạy học sắp xếp chưa khoa học, tần suất sử dụng chưa cao.
Sở GD&ĐT cho rằng, việc cung cấp thiết bị chậm là do Bộ triển khai chậm. Các văn bản hướng dẫn danh mục thiết bị, tính năng kỹ thuật, giá thiết bị, số lượng... thường ban hành vào tháng 5 hoặc tháng 6, nên đến học kỳ 2 thiết bị mới về trường. Ngoài ra, danh mục thiết bị tối thiểu và tính năng kỹ thuật của thiết bị do Bộ ban hành đa phần làm từ chất liệu nhựa và bằng giấy nên thời gian sử dụng không lâu. Vấn đề cần quan tâm là cần có sự hỗ trợ tích cực của địa phương để xây dựng thêm phòng chức năng, phòng học bộ môn nhằm đảm bảo điều kiện cần thiết để thiết bị được sử dụng và bảo quản tốt nhất. Nhiều trường phản ánh khó khăn lớn nhất hiện nay là tình trạng phòng ốc còn thiếu, nhiều trường chưa có phòng thiết bị, thư viện. Hiện nay các trường chưa có cán bộ phụ trách thư viện (giáo viên kiêm nhiệm) nên việc bảo quản, việc sắp xếp trang thiết bị chưa khoa học, nên còn nhiều khó khăn trong tiếp nhận và bảo quản trang thiết bị và đồ dùng dạy học tại các trường. Đáng chú ý là toàn huyện Xuân Lộc có 64 trường (14 trường THCS, 34 trường TH) nhưng hiện chưa trường nào có cán bộ chuyên trách quản lý thiết bị, thí nghiệm theo đúng quy định. Tại Trường THCS Chu Văn An huyện Cẩm Mỹ, vừa qua về trang thiết bị, sách giáo khoa, đồ dùng dạy học, đã được cấp đủ trong 4 năm thay sách. Trường có phòng thiết bị, thư viện và có cán bộ phụ trách; Nên việc bảo quản, kiểm kê thiết bị dạy học được phân loại theo từng bộ môn trong năm, các hoá chất độc hại được cất giữ cẩn thận theo từng danh mục. Tuy nhiên các thiết bị và hoá chất của môn vật lý đạt chất lượng chưa cao, độ bền thấp, các sách tham khảo chưa phù hợp, sách tham khảo chuyên đề và sách nâng cao rất ít chưa đáp ứng cho giảng dạy và học tập….
Để tiếp tục thực hiện và đạt hiệu quả cao hơn các đề án nêu trên Sở GD-ĐT có kiến nghị với Bộ GD-ĐT có hướng dẫn kịp thời về danh mục, trang thiết bị phù hợp với từng đại phương. Trong xây dựng hàng năm, ngành có kế hoạch bổ sung các phòng chức năng, phòng bộ môn cho các trường còn thiếu, tổ chức tập huấn cho giáo viên kỹ năng sử dụng và bảo quản thiết bị, giám sao trong việc đấu thầu sao cho có hiệu quả nhất.. Tăng cường việc thanh, kiểm tra việc bảo quản, sử dụng thiết bị tại cơ sở. Khâu chủ yếu là có kế hoạch đào tạo nhân viên thiết bị, thư viện của các trường để bổ sung biên chế nhân sự được quy định tại Thông tư số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV và rà soát lại việc phân bổ các chức danh này tại cơ sở.
Kim Ngọc