Phát triển bền vững là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội loài người, là sự lựa chọn mang tính chiến lược mà tất cả các quốc gia đều phải quan tâm. Ở Việt Nam, phát triển bền vững đã trở thành quan điểm lãnh đạo của Đảng, đường lối chính sách của nhà nước và được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX là “ Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện môi trường” và “Phát triển kinh tế-xã hội gắn chặt với bảo vệ, cải thiện môi trường, bảo đảm sự hài hòa giữa môi trường nhân tạo với môi trường, thiên nhiên, giữ gìn đa dạng sinh học”. Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, tỉnh Đồng Nai luôn chú trọng đến việc kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế với mục tiêu công bằng và tiến bộ xã hội, phát triển con người và bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, dù là tỉnh công nghiệp hóa phát triển với tốc độ cao, môi trường tại các KCN trong tỉnh ngày càng được cải thiện, một số doanh nghiệp đã đầu tư đổi mới công nghệ, xây dựng các công trình xử lý nước thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đến nay đã có 7 KCN xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung xử lý cho 8 KCN ( Biên Hòa I, Biên Hòa II, Amata, Loteco, Long Thành, Nhơn Trạch 1, Gò Dầu, Tam Phước), 1 KCN đang xây dựng trạm xử lý nước thải ( KCN Nhơn Trạch 2); có 6 KCN ( Sông Mây, Hố Nai, Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 5, KCN dệt may Nhơn Trạch, Định Quán) đang tiến hành thiết kế nhà máy xử lý nước thải; các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại các đô thị đã và đang được triển khai thực hiện. Chương trình vệ sinh môi trường nông thôn về cấp nước sạch, hố xí hợp vệ sinh, chuồng trại hợp vệ sinh ngày càng được chú trọng. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm nhằm phát huy chức năng phòng hộ của rừng như bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giữ gìn nguồn nước; tình hình phá rừng, cháy rừng được hạn chế, giữ ổn định diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn, hệ sinh thái rừng dần được tái sinh, phục hồi và phát triển. Đến cuối năm 2005 độ che phủ của cây xanh đạt 46%, trong đó độ che phủ của rừng đạt 26,3%.
Song song với những kết quả đạt được, hiện nay còn tồn tại một số yếu tố ảnh hưởng đến quá trình phát triển bền vững của tỉnh Đồng Nai. Việc nhận thức về phát triển bền vững của các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng dân cư còn hạn chế. Quá trình lập quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và quá trình xây dựng chính sách bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường còn chưa được lồng ghép, kết hợp chặt chẽ với nhau. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh nhưng tỷ trọng các dự án công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường chưa cao. Sản xuất nông nghiệp chưa chuyển dịch theo hướng tiếp cận ứng dụng công nghệ hiện đại, sản xuất nông phẩm xanh, sạch. Việc đầu tư được tập trung chủ yếu cho những công trình mang lợi ích trực tiếp, còn ít dự án đầu tư cho tái tạo các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Về mặt xã hội, sức ép về tăng dân số cơ học và việc làm tiếp tục gia tăng, sự chênh lệch giữa mức sống đô thị với nông thôn ngày càng lớn. Việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên chưa gắn chặt với ý thức về bảo vệ môi trường. Quá trình đô thị hóa gắn với việc khai thác nguồn nước ngầm, ô nhiễm nguồn nước mặt, không khí và ứ đọng chất thải rắn. Tài nguyên khoáng sản có xu hướng cạn kiệt dần, tài nguyên rừng bị đe dọa bởi các hoạt động khai thác, săn bắt trái phép ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học trong nông nghiệp cùng với việc không kiểm soát được chất thải từ một số cơ sở chăn nuôi, các làng nghề và cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn và khu vực đô thị đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường xung quanh.
Với quan điểm về sự phát triển bền vững là sự đạt được đầy đủ về vật chất, sự giàu có về tinh thần, bảo đảm dân chủ công bằng và tiến bộ xã hội, sự hài hòa giữa con người và tự nhiên, đáp ứng những nhu cầu của hiện tại nhưng không gây trở ngại cho các thế hệ tương lai, chương trình phát triển bền vững của tỉnh Đồng Nai đã đặt ra phương hướng phát triển bền vững đến năm 2010 phải đạt một số chỉ tiêu như GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 1.590 USD, quy mô dân số 2,5 triệu người; giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống còn 1,15%, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí giai đoạn 2006-2010 còn dưới 4%; thu gom và xử lý các loại chất thải đô thị và chất thải công nghiệp đạt 70-80%, chất thải y tế đạt 100%, chất thải rắn độc hại đạt trên 60%, tỷ lệ che phủ của cây xanh đạt 50%, trong đó độ che phủ của rừng đạt 30%.
Để đạt được các chỉ tiêu trên, Chương trình đề ra những biện pháp cụ thể, có tính khả thi cao, trong đó có việc tập trung đầu tư các dự án có tính chất bảo vệ môi trường trên địa bàn toàn tỉnh như triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Biên Hòa, tìm kiếm nguồn vốn ODA để có thể khởi công thực hiện giai đoạn I trước năm 2010; hoàn thành dự án cải tạo và nạo vét suối Săn Máu, tiến hành triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tại Nhơn Trạch giai đoạn 2006-2010, tập trung đầu tư các tuyến thoát nước có tính cấp bách như tuyến dọc Đường số 2, tuyến đường 25C…, tập trung triển khai thực hiện quy hoạch thoát nước lưu vực suối Nước Trong tại huyện Long Thành; quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải thị trấn và KCN Tân Phú; quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải thị trấn Long Thành và thị xã Long Khánh. Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tập trung cho các đô thị: Dầu Giây, La Ngà, Thạnh Phú, thị trấn Trảng Bom, thị trấn Gia Ray, thị trấn Định Quán, thị trấn Vĩnh An….
Với những nỗ lực lớn tỉnh trong việc xây dựng “Chương trình phát triển bền vững của tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006-2010” trong đó ưu tiên các giải pháp bảo vệ môi trường, song song đó là việc giáo dục nhân dân nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, tỉnh Đồng Nai sẽ trở thành tỉnh công nghiệp hóa mạnh hơn nữa, đồng thời bảo đảm cuộc sống trong lành cho nhân dân tỉnh Đồng Nai và cho các thế hệ con cháu mai sau.
Kim Chung