Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 32-T6-2007

Đa dạng sinh học- Nhìn từ vườn rừng Bác Hồ

Đăng ngày: 06/07/2007
Theo dòng người vào Lăng viếng Bác, tôi cũng như rất nhiều người khác muốn nán lại lâu hơn nơi Người yên nghỉ, nhưng cứ theo đoàn người đã đưa chúng tôi đến thăm khu vườn quanh nhà sàn Bác Hồ. Nằm ở phía sau Lăng, một màu xanh yên ả, một thế giới diệu kỳ của vườn- rừng giữa lòng thủ đô.
Dòng người đến thăm vườn rừng của Bác
Theo khảo sát của các nhà khoa học, vườn- rừng xung quanh nhà sàn Bác Hồ nằm trong quần thể thảm thực vật vươn rộng tới Núi Nùng, Bách Thảo đã tồn tại phát triển hàng trăm năm nay. Vườn rừng có diện tích rộng 14,7ha, trong đó 6,7ha là thảm cây xanh, có đến 1.245 cá thể cây của trên 150 loài thuộc 54 họ thực vật, trong đó có 78 loài nguồn gốc trong nước và 56 loài nguồn gốc nước ngoài; 33 loài cây ăn quả, 59 loài cây bóng mát, còn lại là cây cảnh, cây trang trí và cho hoa. Nhìn tổng thể thảm thực vật đa dạng phong phú thì đằng sau mỗi loài cây còn là những câu chuyện xúc động về đức tính giản dị, về tấm gương rèn luyện của Bác cũng như tình đoàn kết bạn bè quốc tế.

Cây vú sữa mang nặng nghĩa tình của đồng bào miền Nam

Chuyện kể rằng vào đầu năm 1955, đoàn cán bộ văn phòng TW Cục miền Nam tập kết ra Bắc, đoàn được vinh dự mang cây vú sữa ra biếu Người với tấm lòng kính yêu vô hạn của đồng bào miền Nam, cây được Bác trồng giữa bờ ao, cạnh nhà Bác ở đầu tiên trong Phủ Chủ tịch. Hàng ngày, tuy bận trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn dành thời gian trước giờ làm việc buổi sáng và sau giờ làm việc buổi chiều chăm sóc và tưới cây. Thời gian đầu mới trồng, cây chưa quen khí hậu lạnh mùa đông, Bác cho cuốn rơm xung quanh thân cây, lấy mùn tấp vào gốc cây chống lạnh. Mùa mưa bão, Bác cho chằng chống để cây khỏi đổ. Năm 1958, Bác chuyển sang ở và làm việc tại nhà sàn, Bác cho chuyển cây vú sữa trồng cạnh nhà sàn để Bác thuận tiện chăm sóc cây.

Bác rời miền Nam ra đi tìm đường cứu nước nhưng chưa có dịp thăm lại miền Nam, nỗi nhớ miền Nam luôn dâng trào trong trái tim Người, cây vú sữa đồng bào miền Nam tặng được Bác chăm sóc chu đáo, luôn ở bên nhà Bác, toả bóng mát cho trái thơm, đêm đêm lá cây rì rào thao thức cùng nỗi niềm miền Nam nhớ Bác, Bác nhớ miền Nam. Cây ra hoa kết trái, những lứa quả nhỏ và không nhiều, thấy vậy Bác nói với các đồng chí phục vụ: “Có lẽ mình chưa biết cách chăm bón nên cây ra quả nhỏ và không nhiều”. Các đồng chí thưa với Bác có lẽ cây không hợp khí hậu miền Bắc nên quả ít và nhỏ. Bác suy nghĩ rồi nói: “Ở Hồ Tây các chú thấy đấy, cây vú sữa ở đó ra nhiều quả và quả lại to. Các chú nên tìm nhà chuyên môn để học hỏi kinh nghiệm trồng cây vú sữa”. Anh em theo ý Bác, từ đó cây cho quả to và nhiều…Vào những năm cuối cuộc đời khi sức khoẻ đã giảm sút, nỗi nhớ miền Nam lại càng dâng tràn, Bác muốn vào thăm miền Nam nhưng vì hoàn cảnh đất nước có chiến tranh nên ngày ngày Người chăm sóc cây vú sữa như đang ở bên đồng bào miền Nam, vơi đi nỗi nhớ da diết trong trái tim Người.

Đến “cây đa kiên trì” và hàng cây “khổ luyện thành tài”

Theo lối chính vào nhà sàn của Bác, chúng tôi thấy có cành đa vắt qua đường như một chiếc cổng tự nhiên. Đó là dấu tích của kỷ niệm mang ý nghĩa giáo dục mà Bác để lại cho chúng ta. Chuyện kể lại rằng: vào khoảng cuối năm 1965, anh em phục vụ thấy hai rễ phụ của cây đa luôn lơ lửng trên lối đi thường ngày của Bác, anh em muốn cắt bỏ khỏi vướng lối đi. Biết được ý định đó, Bác không tán thành, Người gợi ý cho anh em tìm cách đưa rễ đa cắm xuống đất, vừa không vướng lối đi, vừa tạo nên cảnh đẹp và để cây thêm vững. Mấy ngày sau anh em phục vụ vẫn chưa tìm ra cách nào phù hợp. Bác đã chỉ cho cách làm: chọn hai cái cọc, trên mỗi đầu cọc để một lọ con trong đó có nước thả rễ đa vào lọ. Khi rễ đa dài, dần hạ cọc xuống; có nước tăng thêm sức nuôi nên rễ phát triển rất nhanh. Không bao lâu rễ đó đã bám đất, thấy thế Bác nói vui: “Các chú thấy đấy, con người ta có thể cải tạo, chinh phục được thiên nhiên. Tuy có khó khăn nhưng phải kiên trì và quyết tâm thì làm được”. Lâu dần cây đa được đặt tên “cây đa kiên trì” như lòng mong muốn của Bác với mỗi chúng ta trong cuộc sống và công tác.

Phía bên nhà sàn cạnh góc đường Xoài có 3 khóm râm bụt trồng thẳng hàng, mỗi khóm cách nhau 3 mét và được xén cao đều nhau. Ba khóm râm bụt đó gắn liền một kỷ niệm có ý nghĩa giáo dục. Theo gợi ý của Bác, ba khóm râm bụt được trồng từ năm 1962, khi cây lớn ngang ngực, Bác bảo cắt xén chỉ để chừng 1 mét, sau đó Bác gọi đồng chí phụ trách bảo: “Chú nói với anh em, hàng ngày khi đi ăn cơm qua đây thì nhảy qua các khóm râm bụt này. Cây cao dần thì các chú cũng nhảy cao dần. Như vậy các chú tranh thủ và tiết kiệm được thời gian luyện tập, tăng thêm sức khoẻ, ý chí và tinh thần để phục vụ công việc tốt hơn”. Làm theo lời Bác, sức khoẻ anh em được nâng lên sau khi kiên trì rèn luyện theo ngày tháng. Vì thế ba khóm râm bụt đi vào huyền thoại với cái tên “cây khổ luyện thành tài”.

Tình cảm của Người và bạn bè quốc tế

Tình cảm của Bác còn được gửi gắm vào những cây trồng mang đầy ý nghĩa quốc tế. Bác cho trồng hai cây hoàng lan ngay cạnh bờ ao trước nhà sàn để làm kỷ niệm sự kiện chị Valentina Têrêscôva trở thành người phụ nữ đầu tiên bay vào vũ trụ, Người đặt tên cho hai cây hoàng lan là “Cây vũ trụ”. Năm 1959 với cương vị Chủ tịch ủy ban phụ nữ Liên xô, Valentina Têrêscôva sang thăm Việt Nam, vô cùng xúc động khi được tin hai cây hoàng lan do chủ tịch Hồ Chí Minh trồng là để kỷ niệm chuyến bay thành công của mình. Sau này khi đồng chí Phạm Tuân trước khi sang Liên Xô thực hiện chuyến bay vào vũ trụ đã đến nơi đây hứa với Bác sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Khi trở về, đồng chí Phạm Tuân cùng Gorơbátcô vào thăm nhà sàn và đứng dưới 2 cây hoàng lan báo cáo với Bác về kết quả tốt đẹp của chuyến bay vào vũ trụ. Hiện nay hai “cây vũ trụ” của Bác vẫn xanh tốt như kỳ vọng của Người.

Dọc theo bờ ao cá của Bác ai cũng thích thú ngạc nhiên trước những chùm dễ mọc cao khỏi mặt đất, tựa như những pho tượng phật. Đó là loài cây có tên khoa học Taxodimdiscumrich nguồn gốc từ Nam Mỹ. Vì có phần rễ nhô lên khỏi mặt đất giống hình ông bụt nên Bác gọi là “cây bụt mọc”. Bên bờ ao cá những cây bụt mọc được trồng từ trước nay đã trở thành cổ thụ, cây có đặc tính rụng lá vào mùa xuân. Năm 1965, khi phát hiện có một cây bị mối ăn, sợ cây bị đổ gây nguy hiểm cho Bác vì gần con đường Bác thường đi, các đồng chí phục vụ quyết định chặt cây. Biết chuyện Bác bảo: “Chặt bỏ một cây hỏng thì dễ dàng nhưng trồng được một cây mới thì rất khó. Bởi vậy các chú tìm cách chữa trị cho cây khỏi bị mối ăn”. Bác bày cho kinh nghiệm chữa cây là trước hết cạo sạch chỗ mối xông, sau đó dùng rơm, vôi, xi măng trộn lẫn đắp vào. Vì vôi có tác dụng chống mối và côn trùng xâm nhập, rơm tạo mùn giúp cây phát triển, xi măng ngăn không cho nước vào, khỏi mục nát cây và giữ cho cây khoẻ hơn. Nhờ đó, các đồng chí phục vụ đã chữa khỏi bệnh cho cây và cây phát triển xanh tốt …

Trong vườn rừng cuả Bác còn nhiều loài cây lấy gỗ, ăn quả khác nhau, mỗi loài cây gắn với một kỷ niệm, gắn với một câu chuyện thú vị. Những câu chuyện này có ý nghĩa sâu sắc về lòng kiên trì, về đức tính giản dị, về công tác quản lý giáo dục cán bộ, cách dùng người của Bác để mỗi chúng ta càng hiểu thêm về Người và học tập noi gương Người trong cuộc sống của chúng ta hôm nay.

Bích Thuận