Về lĩnh vực nông nghiệp- nông thôn, cử tri đề nghị nhà nước cần có chủ trương, chiến lược để bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu và các loại vật tư nông nghiệp, tạo điều kiện tiêu thụ cho nông sản thực phẩm; cần có chính sách bảo hiểm nông sản phẩm và các rủi ro khác trong nông nghiệp, giảm bớt các khoản đóng góp của nông dân; có chính sách đồng bộ để phát triển nông nghiệp, nông thôn để giảm bớt khoảng cách phân hóa giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị; đẩy mạnh công tác quy hoạch phát triển kinh tế vùng, định hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đầu tư mở rộng mạng lưới dịch vụ phục vụ nông nghiệp như cung cấp cây, con giống, thuốc trừ sâu, phân bón...không để tư thương thao túng thị trường, bán hàng giả, hàng kém chất lượng, nâng giá hàng bất hợp lý, gắn liền việc phát triển các cơ sở chế biến với vùng nguyên liệu để nông dân an tâm sản xuất.
Về lĩnh vực y tế, cử tri đề nghị Nhà nước quan tâm thiết thực hơn trong việc bố trí y, bác sĩ cho trạm xá xã; có biện pháp kiểm soát và kiềm chế việc tăng giá thuốc, thuốc giả đang lưu hành trên thị trường và có các biện pháp xử lý thích đáng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Ngoài ra, chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế còn chưa đạt yêu cầu, có lúc có nơi nhân viên y tế tỏ ra chưa tôn trọng bệnh nhân; về phân tuyến điều trị đối với đối tượng được hưởng bảo hiểm y tế còn một số bất hợp lý, đề nghị quy định việc khám và điều trị bảo hiểm y tế trong toàn quốc đối với đối tượng hưu trí và người có công. Tại một số cơ sở y tế vẫn còn một bộ phận y, bác sĩ sa sút về phẩm chất cần có biện pháp quản lý thích hợp, thường xuyên kiểm tra, xử lý các vi phạm đạo đức nghề nghiệp một cách nghiêm khắc.
Hiện nay nội dung chương trình cải cách giáo dục còn một số điểm chưa hợp lý, chất lượng giáo dục không đạt yêu cầu, chương trình học của học sinh các cấp quá tải, sách giáo khoa giá còn cao so thu nhập của người dân, đội ngũ giáo viên thiếu về số lượng, kém về chất lượng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Tình trạng dạy thêm, học thêm và hiện tượng tiêu cực trong thi cử là nỗi bức xúc lớn của người dân. Đề nghị quan tâm hơn đến môn giáo dục công dân, chú trọng tăng thời lượng các môn văn, sử, địa để giúp học sinh có đời sống tinh thần, tình cảm phong phú, giáo dục cho các em tăng thêm lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước để quyết tâm học thành tài xây dựng quê hương.
Vấn đề tệ nạn xã hội, nhất là tệ hút, chích ma túy đang là nỗi lo, nỗi bức xúc lớn của xã hội. Việc xuất hiện ngày càng nhiều những băng nhóm thanh niên quậy phá, thanh toán nhau bằng hung khí làm cho người dân rất lo lắng. Đề nghị đầu tư xây dựng thêm các khu vui chơi giải trí cho thanh thiếu niên, tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh nhằm từng bước giảm dần các tệ nạn xã hội. Đối với tình trạng tai nạn giao thông có chiều hướng gia tăng như hiện nay, trong đó có nguyên nhân số lượng xe gắn máy lưu hành quá nhiều so với khả năng của hệ thống đường giao thông, kiến thức về luật giao thông và ý thức chấp hành luật giao thông của những người tham gia giao thông còn kém, trong đó có lý do còn tình trạng tiêu cực trong khâu thi cấp bằng lái xe. Các vấn đề trên cần được các ngành chức năng quan tâm, có biện pháp giải quyết dứt điểm. Ngoài ra, việc thực hiện các chính sách đền ơn đáp nghĩa và chính sách cho người có công còn chậm, thủ tục phiền hà.
Về vấn đề chống tham nhũng, dù đã có Luật phòng, chống tham nhũng nhưng việc triển khai thực hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Hiện nay, hầu hết những vụ việc tham nhũng đều do sự cung cấp thông tin của người dân hoặc cơ quan đại chúng mà ít trường hợp do đại biểu Quốc hội phát hiện. Đề nghị trong nhiệm kỳ tới, Quốc hội phải có biện pháp phòng và xử lý tham nhũng một cách có hiệu quả, đề cao trách nhiệm cá nhân của các đại biểu Quốc hội giữ chức vụ lãnh đạo các ngành, các cấp và có các hình thức khen thưởng xứng đáng những cá nhân, tập thể dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, có biện pháp bảo đảm an toàn cho các cá nhân dám tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, hối lộ.
Qua đợt tiếp xúc cử tri lần này, người dân cũng rất bức xúc việc cải cách thủ tục hành chính ở các cơ quan công quyền có nhiều quan hệ với dân như thuế, địa chính, điện lực, chính quyền địa phương...cùng với cơ chế "xin-cho" hiện đang là vấn đề nan giải, tạo ra nhiều kẽ hở trong pháp luật, dẫn đến còn có hiện tượng sách nhiễu, phiền hà cho người dân.
Một nội dung quan trọng được nhiều cử tri quan tâm, đó là nội dung hoạt động của Quốc hội và chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội. Hiện nay, thời gian họp của Quốc hội quá dài, ngân sách nhà nước chi cho các kỳ họp Quốc hội lớn, gây lãng phí ngân sách. Quốc hội xây dựng nhiều luật, nhưng trong thực tế một số luật và văn bản dưới luật có nội dung chồng chéo, lạc hậu so với tình hình thực tế. Việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật thường chậm trễ gây khó khăn trong khâu triển khai thực hiện. Cũng liên quan đến nội dung này, cử tri đề nghị xây dựng Luật tôn giáo để tạo hành lang pháp lý cho các tôn giáo hoạt động ổn định. Đối với đại biểu Quốc hội, đề nghị bố trí dành thời gian cho hoạt động đại biểu nhiều hơn nữa, trong đó thời gian đi sâu sát cơ sở, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, giám sát các hoạt động ở địa phương nơi cư trú và nơi ứng cử cũng như các hoạt động thuộc lĩnh vực chuyên môn của đại biểu để kịp thời phản ánh và kiến nghị biện pháp giải quyết phù hợp. Đại biểu Quốc hội phải thật sự dũng cảm và bản lĩnh để thực hiện trọng trách được nhân dân giao phó.
Kim Chung