Qua vài lời chào hỏi, KCân điềm tĩnh vào đề câu chuyện một cách nhẹ nhàng :
Mình sinh năm 1961, thời điểm ấy-nghe nói quê mình còn nhiều bọn xấu cấu kết với lũ giặc, được Mỹ hỗ trợ cả kinh tế và quân sự, kết hợp với mua chuộc và dụ dỗ. Điên cuồng hơn, con ác thú Hoa Kỳ đã mang bom đạn đánh phá, làm cho dân chúng tan tác phải vào rừng lẫn tránh, tìm cách phục vụ cách mạng và chở che bộ đội. Được người lớn kể lại vậy, mình thấy căm thù lũ giặc nó hung dữ như con sói, con hổ dữ ở rừng vậy. Thế rồi dù cực khổ và chạy lọan mình cũng được cha mẹ nuôi cho lớn dần lên với lũ trẻ con ở nơi heo hút này. Năm 1978, mình tham gia du kích để bảo vệ bình yên cho bản làng. Hai năm sau đó, tình nguyện gia nhập bộ đội huyện Tân Phú. Sau khi hòan thành nghĩa vụ quân sự, cấp trên biểu dương mình nhiệt tình công tác, chấp hành kỷ luật nghiêm và tặng giấy khen nữa-mình còn cất giữ ngay ngắn trong tủ để làm kỷ niệm lâu dài. Ra quân, mình xin chuyển ngành làm nhân viên bảo vệ rừng quốc gia Nam Cát Tiên. Năm 1995, cán bộ tới vận động vào hội cựu chíên binh để phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp “Bộ đội cụ Hồ”. Thế là mình làm đơn xin gia nhập Hội cho tới nay đã là 11 năm rồi-nhanh quá!
- Từ bấy tới giờ KCân làm những công việc gì ở địa phương? - Tôi hỏi. KCân trả lời :
- Mình đảm nhiệm nhiều việc lắm, cán bộ à. Kể sơ cho cán bộ nghe coi : Mình nào là tổ trưởng bảo vệ rừng; Là ấp trưởng ấp 4; Bí thư chi bộ ấp 4; Đại biểu HĐND xã Tà Lài nhiệm kỳ 2004-2009, khóa trước còn là Đại biểu HĐND hai cấp xã Tà Lài và huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai…Tính sơ sơ có 5-6 chức danh vậy. Vì thế, dường như quanh năm suốt tháng dành gần hết thời gian cho công tác xã hội. Còn việc gia đình thì …bà xã quán xuyến hết, cô ấy tốt quá với chồng con mà vẫn luôn luôn vui vẻ, hòa thuận êm ấm gia đình. Nhờ vậy mình mới an tâm họat động đó chớ.
VỊÊC NÀO KCÂN LÀM CŨNG GIỎI
Những năm qua, KCân được dân tín nhiệm bầu làm tổ trưởng bảo vệ rừng. Tổ có 29 hộ gia đình, hợp đồng với vường quốc gia Nam Cát Tiên 600 hecta. Mỗi năm nhà nước trả 26.000.000đ chi phí công bảo vệ. Điều đáng nói là từ khi giao nhận rừng tới nay, diện tích rừng chưa hề bị kẻ xấu đột nhập chặt phá, khai thác lâm sản trái phép hoặc săn bắt thú. Bằng chứng là cán bộ chuyên môn của vườn đi kiểm tra đều xác nhận điều đó. Được như vậy là nhờ người tổ trưởng KCân luôn ý thức trách nhiệm của mình cho tất cả các thành viên trong 29 hộ gia đình ấy, coi rừng nhà nước như vườn của mình, đừng làm gì để rừng “đau” –dù đó là một búp măng, một trái chín bị rụng…để nó còn tái sinh. KCân lên kế họach chia thành từng tổ nhỏ, lập trạm gác hoặc tuần tra bất thành quy luật cả ngày lẫn đêm hoặc vào dịp lễ tết. Bước đầu cũng thấy vất vả, nhưng dần dần cái chân nó cũng quen và dẻo dai, môt vài hôm không đi tuần là thấy nhớ rừng. Công sức bỏ ra khá nhiều mà quyền lợi trong số tiền 26 triệu đồng ấy, đều được KCân phân chia sòng phẳng cho tất cả mọi thành viên, bản thân tuy có làm nhiều hơn nhưng không nhận thêm bất kỳ khoản thù lao nào. Vì vậy, ai nấy đều rất quý trọng người tổ trưởng của mình.
Là người đại biểu HĐND xã trực tiếp làm ấp trưởng. Ấp 4 có 332 hộ, 1.480 nhân khẩu. Những năm trứơc tỷ lệ hộ đói, nghèo còn khá cao. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng tựu chung lại có mấy điểm chính. Đó là tập quán làm ăn còn lạc hậu; sinh đẻ nhiều; ăn ở chưa mấy hợp vệ sinh gây nên bệnh tật; mê tín dị đoan; ma chay, cưới hỏi còn tổ chức ăn uống linh đình làm sa sút kinh tế, thu bất chấp chi…Sau mỗi lần có các công văn của cấp trên, KCân được tiếp thu từ xã, huyện là anh triển khai quán triệt trong chi bộ Đảng, tới tổ công tác mặt trận rồi ra mọi người dân trong ấp. KCân là một cán bộ đại biểu HĐND, Bí thư chi bộ, Trưởng ấp…miệng nói tay làm. Anh còn sáng tạo trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước . Chẳng hạn những nhà biết làm ăn thì anh tìm cách khuyến khích, động viên để chính họ là hướng dẫn viên tích cực cho những gia đình chưa mấy hiểu biết. Nhờ vậy, trình độ kiến thức trong nông nghiệp từ chăn nuôi, trồng trọt, chăm sóc vườn rừng cứ thế mà tiến bộ dần, thay đổi cách làm theo tập quán cũ xưa. Điều thật đáng mừng là hiện trên 332 hộ dân đã xóa hết đói, hộ nghèo thu hẹp đáng kể, đã lác đác xuất hiện hộ giàu. Bình đẳng giới có nhiều tiến bộ. Chi hội phụ nữ ấp có 336 chị em họat động khá hiệu quả nên ý thức trong sinh đẻ có kế hoạch ở các cặp vợ chồng trẻ cũng đang đi vào quỹ đạo. Đây là điều mà trong những năm trước còn là mơ ước, chưa ai dám khẳng định đạt được ở một xã vùng sâu, vùng xa hầu hết bà con dân tộc thiểu số thì nay đã và đang trở thành hiện thực. Ngay bản thân KCân vợ chồng đều khỏe mạnh, kinh tế khá nhất vùng cũng chỉ dám sinh hai con mà cách nhau 6 – 7 tuổi và cháu út sinh 2004, theo KCân là lỡ kế họach, nằm ngoài ý muốn của vợ chồng anh. Cả ba con trai đều khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Hiện một cháu đang là học sinh trường dân tộc nội trú huyện Tân Phú.
DÂN TIN, DÂN YÊU LÀ PHONG TRÀO SẼ PHÁT TRIỂN MẠNH
KCân không chỉ là môt cán bộ tận tụy với công việc được tập thể giao phó, mà còn là một nông dân năng động biết làm giàu. Anh có những 10 hecta đất rẫy và ruộng : 5 hecta trồng điều, trong đó 2 hecta đã cho thu hoạch; 1 hecta trồng quýt vừa mới cho trái và 4 hecta trồng lúa. Hai vụ trong năm thu hơn được chục tấn thóc, phần dùng cho gia đình mình ăn không đáng kể mà để dành cho chăn nuôi và giúp đỡ bà con trong ấp khi giáp hạt để họ khỏi kíêm cớ vào rừng quốc gia vi phạm lâm luật. Trong chuồng nuôi một cặp heo nái và hai con bò sinh sản. Năm qua tính các khoản thu được hơn 100 triệu đồng. Những năm tới, hai lọai cây chủ lực là Điều và Quýt bước vào vụ chính, chưa phải dừng lại ở con số này. Nghe nói KCân thu được nhiều tiền bằng sản xuất nông nghệp đã kích thích các hộ nông dân trong bà con dân tộc. Không ít người tới tìm hiểu tại sao KCân làm giỏi? Liệu mình có làm được như KCân không? KCân phải giành thời gian giải thích, hướng dẫn cho họ. Thế là lần lượt bà con cô bác trong và ngoài ấp thấy phấn khởi vì đã sáng ra nhiều điều để về vận dụng. Và hôm nay một số gia đình đã có thêm kiến thức sản xuất, canh tác. Họ càng thêm khâm phục người cán bộ hiền hậu, chất phác và gần gũi thân thương dân chúng. Được như vậy anh cảm thấy mình thật là hạnh phúc. Diện tích thì nhiều mà lao động chỉ có hai vợ chồng nên KCân phải mướn thêm nhân lực. Tuy nhiên trả công rất sòng phẳng, từ 25.000-30.000đ/ngày công, đối xử tử tế nên ai cũng thích. Bởi làm cho KCân còn học tập được nhiều cái hay trong tổ chức sản xuất của anh.
KCân tâm sự : Nhà mình trước đây cũng nghèo lắm. Nhờ mấy năm vào quân đội, có dịp đi đây đi đó, tiếp xúc nhiều với bà con nộng dân sản xuất giỏi nên học tập ở họ những cái mình chưa biết. Nay được dịp vận dụng vào đồng đất mà cha mẹ mình cùng cô bác bao đời lam lũ mới làm ra được hạt thóc, trái bắp…đó thôi. Sau khi mình biết, mình làm có kết quả, hướng dẫn cho bà con cùng làm và thành công, thế là dân tin mình thôi. Chất đất ở Tà Lài hợp với cây quýt, nó vừa ngọt vừa sai. Mình hướng dẫn kỹ thuật cho bốn người trồng từ một mẫu trở lên đang phát triển tốt. Tới đây có khả năng nhiều người nữa sẽ trồng. Một loại cây có nhiều lợi thế như quýt, vậy mà từ lâu chưa được phát huy, uổng quá! KCân có vẻ tiêng tiếc như mình có lỗi, vì chưa truyền đạt cho bản làng được bao nhiêu.
Trong lúc câu chuyện còn sôi nổi, tôi hỏi KCân :
- Ở đây có mấy bà con dân tộc cùng sinh sống, tinh thần đoàn kết có tốt không?
- Ồ! Cái đại đoàn kết dân tộc luôn luôn được cán bộ từ tỉnh, huyện về thăm đều căn dặn. Còn cán bộ xã cũng nhắc nhở thường xuyên, dân nghe theo thôi à ! Mà dân đã tin rồi thì không thay đổi đâu. Kể cả bọn xấu dù có tìm cách mua chuộc, truyền đạo trái phép, dân cũng đều từ chối đó thôi.
- KCân có thể cho mình biết những việc làm cụ thể được chăng ?
- Được, được mà. Thế này nè : trong ấp khi có người qua đời hay gặp hoạn nạn, dù đó là dân tộc Châu Ro, Xơ-tiêng, Châm-mạ hay Kinh thì bà con đều đến thăm hỏi, chia buồn với nhau. Rồi từng tổ, nhóm hộ gia đình tổ chức quyên góp gạo, tiền cả công sức nữa để chung lo cho người chết ra đi được thanh thản, mà người sống cũng không quá lo lắng ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần. Đặc biệt, trước đây người chết để tới 7 ngày mới đi chôn. Đó là chưa kể mổ bò, mổ trâu, heo gà tổ chức chè chén lu bù bất chấp cuộc sống sau đó như thế nào. Nay thì cơ bản đã xóa hết những hủ tục không còn phù hợp. Người chết chỉ để một hoặc hai ngày là chôn cất đúng nơi quy định. Cưới hỏi cũng đơn giản hơn theo nếp sống văn minh. Có nhiều đôi nam nữ được tổ chức tại nhà văn hóa cộng đồng, nam thanh nữ tú đua nhau góp vui văn nghệ thật nhộn nhịp tưng bừng. Đặc biệt, con gái dân tộc lấy chồng người Kinh, và con gái người Kinh đã kết hôn với con trai dân tộc. Khi đã thành đôi lứa, ở đâu thuận với việc làm ăn sinh sống thì tùy họ lựa chọn, chính quyền tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích. Hiện nay trong ấp của mình đang có 4 thanh niên tại ngũ và 7 cô gái đi làm ở các nhà máy, xí nghiệp tại Biên Hòa hay Sài Gòn gì đó. Biết đâu trong số ấy, có cô cậu cũng lấy chồng, lấy vợ nơi khác, phải không? Nói đoạn KCân cười rất hồn nhiên, chứng tỏ anh là người khá hóm hỉnh, lạc quan.
Nắng chiều đã nhạt mà KCân còn chiều chuyện vui muốn kể. Tôi đành hỏi KCân về việc khen thưởng thành tích những năm qua của các cấp đối với mình. KCân nhẩm tính một lúc rồi sơ bộ thống kê :
- Giấy khen cấp xã, cấp huyện, bằng khen cấp tỉnh đều có đủ về thành tích nông dân sản xuất giỏi. Công an tỉnh tặng bằng khen trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đặc biệt năm 2005, KCân được chọn đi dự hội nghị điển hình tiên tiến tòan quốc tại Hà Hội do Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức và được tuyên dương rồi tặng bằng khen. Dịp này, KCân còn vinh dự được chụp ảnh với các vị lãnh đạo Đảng, Chính phủ tới dự và nghe căn dặn nhiều điều quý giá lắm. Những điều ấy thấm sâu vào lòng, khi về địa phương, KCân luôn nhắc lại cho mọi người cùng nghe, ai ai cũng thích lắm. Muốn phấn đấu để có dịp ra Hà Nội, vào lăng viếng Bác như KCân đấy. Thế là nhờ đó một phần mà phong trào từng bước phát triển đi lên.
Điều bình dị được KCân đúc kết là : Muốn được cử tri tin yêu quý mến. muốn lời mình nói họ nghe và làm theo…trước hết phải sát cuộc sống của dân, giúp họ vượt qua mọi khó khăn. Quy chung lại đã là cán bộ thì đừng thất hứa với dân thì họ sẽ tin yêu và nghe theo mình. Cái bụng nó tin tưởng ở Đảng và chính quyền đó thôi.
* *
*
Mặt trời đã xuống là là ngọn cây. Gió từ các triền núi thổi nhẹ mang theo thoang thoảng hương rừng. Mấy cụm hoa bằng lăng như thẩm màu lại nhưng vẫn phô diễn nét duyên dáng dung dị của mình. KCân tiễn chúng tôi ra tới cổng nhà văn hóa cộng đồng các dân tộc Tà Lài, xiết chặt tay nhau và nở nụ cười thật tươi.
Biên Hòa, tháng 11-2006
Nguyễn Quốc Hoàn