Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, dịch vụ sẽ ngày càng đóng góp tỉ trọng lớn vào sự phát triển kinh tế đất nước. Bởi dịch vụ vừa là cầu nối giữa các yếu tố “đầu vào” và “đầu ra” trong quá trình sản xuất, thúc đẩy phân công lao động xã hội, vừa tác động tích cực đến sự phát triển cơ bản, toàn diện của các ngành công nghiệp và nông nghiệp. Đồng Nai là một trong những tỉnh trọng điểm phát triển công nghiệp của khu vực Đông Nam Bộ và cả nước, thu hút ngày càng nhiều lao động đến sinh sống nên nhu cầu về dịch vụ tăng nhanh. Thực tế ở Đồng Nai thời gian qua, cơ cấu ngành dịch vụ có chuyển biến tích cực, phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, thu hút được sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế và tỉ trọng đóng góp GDP của ngành không ngừng tăng cao. Tuy nhiên quy mô của ngành dịch vụ ở Đồng Nai còn nhỏ bé, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, nhiều thị trường tiêu thụ còn bỏ ngỏ, nhất là một số ngành dịch vụ như: nhà ở cho công nhân mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu, dịch vụ đưa rước công nhân đáp ứng được 1,5%...Sự tác động của ngành dịch vụ tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh không cao và còn hạn chế trong việc đảm bảo tính ổn định của cơ cấu kinh tế trong tỉnh đồng thời sự gắn kết giữa các ngành dịch vụ chưa được chặt chẽ; nhiều loại hình dịch vụ còn nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền.
Một câu hỏi được đặt ra là vì sao với một thị trường đầy tiềm năng như Đồng Nai, mảng kinh tế dịch vụ lại còn nhiều hạn chế như vậy? Nguyên nhân là chưa có một chiến lược mang tính tổng thể, định hướng hoạt động chung cho toàn bộ lĩnh vực dịch vụ trên toàn quốc; việc phối hợp giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đối với phát triển dịch vụ còn nhiều hạn chế; song chủ yếu do hạn chế ở mặt nhận thức về vai trò, tiềm lực của ngành dịch vụ, ở công tác quản lý, thiếu chiến lược và nguồn lực cần thiết. Do đó, để phát triển mạnh dịch vụ trong thời điem hiện nay, cần phải khắc phục những khó khăn, hạn chế đó bằng cách giáo dục, nâng cao nhận thức trong mọi tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của dịch vụ đối với sự phát triển kinh tế đất nước, gắn phát triển dịch vụ với sự phát triển các thành phần kinh tế khác trên cơ sở tận dụng tối đa nguồn năng lực nội tại và đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, có khả năng nắm bắt những thành tựu khoa học cong nghệ tiên tiến, đưa công nghệ thông tin vào việc phát triển dịch vụ.
Để phát triển đúng tiềm năng của ngành dịch vụ ở Đồng Nai trong thời gian tới cần tập trung phát triển ngành kinh tế này tương xứng với tiềm năng, tao đà cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại và phát triển có ưu tiên các loại hình dịch vụ trọng tâm, trọng điểm ở một số ngành, cụ thể như: các ngành dịch vụ có tính chất hạ tầng (dịch vụ viễn thông, vận tải) và các ngành dịch vụ cơ bản, có giá trị gia tăng cao.
Dự báo trong thời gian tới, ngành dịch vụ ở Đồng Nai sẽ phát triển nhanh cụ thể năm 2007, tăng trưởng giá trị tăng thêm ngành dịch vụ là 16,5%, phát triển lĩnh vực dịch vụ giai đọan 2006-2020 đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế để thúc đẩy phát triển toàn diện và cân đối các ngành, lĩnh vực kinh tế và xã hội. Tập trung phát triển một số nganh dịch vụ có vai trò quan trọng và ưu thế trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như dịch vụ cảng biển, vận chuyển, kho bãi, viễn thông, ứng dụng công nghệ thông tin, tài chính, tín dụng, nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo… Đồng thời chú trọng các ngành dịch vụ phục vụ dân sinh xã hội và phát triển nguồn lực con người.
Là một tỉnh công nghiệp trọng điểm nhưng để phát triển bền vững cần song song phát triển các nganh dịch vụ, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay, là một trong những động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế khác trong tỉnh.
Nguyễn Thị Phi