Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 52-T04.2009

Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt

Đăng ngày: 01/09/2009
Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Trảng Bom và thành phố Biên Hòa đã cho thấy việc thu gom và xử lý rác thải còn nhiều vấn đề cần quan tâm.
Ông Huỳnh Chí Thắng-Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khảo sát tại bãi rác thị trấn Trảng Bom
Theo ông Nguyễn Sơn Hùng- Phó Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom, thì trên địa bàn huyện Trảng Bom đã nhiều năm nay muốn đầu tư xây dựng hoàn chỉnh bãi rác Tây Hòa theo quy hoạch đã được duyệt là điều mong mỏi của huyện, vì kinh phí đầu tư không có, kêu gọi đầu tư lại càng khó hơn. Đến nay mới có 2 Công ty xin được đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải, nhưng do chưa xong các thủ tục hồ sơ cho nên chưa trình được cấp thẩm quyền phê duyệt. Do vậy hiện tại rác trên địa bàn toàn huyện mới chỉ là thu gom đưa về đổ tại bãi rác Tây Hòa và đổ tại 01 bãi rác tạm của thị trần Trảng Bom. Bãi rác Tây Hòa, do chưa đầu tư xây dựng cho nên huyện đã chỉ đạo ngưng đổ rác, tất cả rác thu gom lại được đưa về đổ tại một khoảng đất trống trong lô cao su của Nông trường cao su (bãi rác này theo huyện báo cáo là mượn tạm của Nông trường cao su). Qua giám sát thực tế tại 2 bãi rác của huyện Trảng Bom cho thấy nguy cơ ô nhiễm là khó tránh khỏi, vì rác đưa về đổ tràn lan, một số người dân trong khu vực đã vào bới rác tìm phế liệu bất chấp mùi bốc lên từ rác đã bị phân hủy, nước từ rác cứ hàng ngày thấm xuống lòng đất và chảy vào các đường thoát nước hiện hữu trong khu vực. Do vậy qua thực tế xử lý rác tại huyện Trảng Bom cho thấy mới chỉ là thu gom đổ về một nơi nào đó mà chưa thực hiện xử lý, vì chưa đầu tư xây dựng được bãi chôn lấp, chưa có nhà máy xử lý rác thải.

  Còn ở thành phố Biên Hòa đã có Nhà máy xử lý rác thải, nhưng nguy cơ ô nhiểm từ mùi, từ nước rỉ rác là rất cao. Đoàn giám sát đã vào Nhà máy xử lý rác của Công ty cổ phần Vũ Nhựt Hồng, cho thấy mùi của rác bốc lên rất khó chịu, các công đoạn xử lý rác như hiện tại của Nhà máy thì không thể tránh khỏi ô nhiễm môi trường. Thành phố Biên hòa hiện có khoảng 85% lượng rác thải sinh hoạt được đưa vào xử lý và có thể khẳng định việc xử lý, tái chế rác sinh hoạt là việc làm hết sức cần thiết để giải quyết lượng rác thải sinh hoạt một cách có ích. Trong số rác đưa vào xử lý được phân loại để đưa sang bãi chôn lấp khoảng từ 15 đến 20%, số còn lại được Nhà máy xử lý rác chế biến theo các công đoạn.  Tuy nhiên, thực trạng xử lý rác thải ở thành phố Biên Hòa hiện nay vẫn đặt ra những vấn đề tương đối nghiêm trọng về vệ sinh môi trường chung quanh khu vực xử lý mà những người dân lân cận là những người hứng chịu hậu quả đầu tiên.  Hiện tại, mỗi ngày có khoảng 350 tấn rác thải sinh hoạt được đưa tới nhà máy xử lý rác thải của Công ty cổ phần Vũ Nhựt Hồng ở phường Trảng Dài để xử lý. Rác thải qua dây chuyền xử lý sẽ thành nguyên liệu dùng để sản xuất phân vi sinh, đối với Nhà máy xử lý rác của Công ty Vũ Nhựt Hồng mới chỉ sản xuất ra thành phẩm là compost, chưa sản xuất ra được phân vi sinh. Tuy nhiên, quá trình hoạt động của nhà máy này đã phát sinh ô nhiễm cho môi trường dân cư sinh sống gần đó, trong đó nặng nhất là mùi hôi (từ nguồn rác tươi khi tập kết, từ dây chuyền chế biến hở, từ ủ phân thô, rác để ngoài trời...) và nước thải (nước rỉ rác, nước mưa tràn vào...). Do công ty chưa tách riêng và đấu nối được hệ thống thoát nước mưa ra ngoài nên nước mưa vẫn hòa chung với nước thải có thể gây ô nhiễm nguồn nước ngầm... Công ty Vũ Nhựt Hồng cho biết, phải chờ đến khi giai đoạn 2 của nhà máy (đang xin thêm 5 hécta) được phê duyệt và xây dựng xong thì những quy định về môi trường mới được thực hiện tốt. Như vậy, người dân khu vực xung quanh sẽ phải tiếp tục hứng chịu tình trạng bốc mùi từ rác chế biến này chưa biết đến bao giờ. Hơn nữa ngay cạnh Nhà maý xử lý rác của Công ty Cổ phần Vũ Nhựt Hồng có thêm một đơn vị xử lý rác nữa là Công ty Bốn Mùa, không rõ công đoạn xử lý rác ra sao, nhưng qua ghi nhận thì rác vẫn chất cao như núi, để ngoài trời, nguy cơ ô nhiễm ảnh hưởng tới khu dân cư xung quanh là điều khó tránh khỏi.

 Tình trạng ô nhiễm mùi ở các huyện xem ra cũng trầm trọng không kém do việc thu gom và xử lý rác vẫn còn khá nhiều bất cập. Đa số rác thải sinh hoạt được giao cho các hợp tác xã hoặc tư nhân thu gom. Những đơn vị này, sau khi thu gom rác về thường đem chôn lấp thủ công tại một điểm đổ rác của huyện hoặc tìm một bãi đất trống đổ xá (như bãi rác tạm của huyện Trảng Bom). Việc chôn lấp rác sinh hoạt tại các huyện không đảm bảo vệ sinh, vì rác chỉ được phân loại qua loa sau đó đem đổ xuống hố, không được xử lý bằng hóa chất và không có hệ thống chống thấm nước rỉ rác, nghĩa là các huyện hầu chưa có bãi rác nào được đầu tư đạt tiêu chuẩn là bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt. Theo Ông phan Văn Hết- PGĐ Sở TNMT cho biết, rác thải sinh hoạt đem chôn không có hệ thống chống thấm nước rỉ rác, lâu ngày sẽ ngấm xuống các mạch nước ngầm rất nguy hiểm.

Còn đối với rác có phân loại cũng chỉ là tự phát, theo ông Trần Văn Đây, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH một thành viên dịch vụ môi trường đô thị Biên Hòa thì chỉ 15 - 20% lượng rác thải sinh hoạt là có thể tái chế thành các vật dụng, trong đó bịch ny-lông chiếm khoảng trên 10%. Đây là loại rác thải rất khó phân hủy ngoài môi trường tự nhiên, thời gian để phân hủy lên đến cả trăm năm. Tái chế bịch ny-lông để làm nên những sản phẩm hữu ích có chất lượng tốt là điều đáng khuyến khích, song thực tế, đường đi từ bãi rác đến thị trường của loại phế liệu này đang không được kiểm soát chặt chẽ.

Được biết, UBND tỉnh đã có phê duyệt điều chỉnh bổ sung quy hoạch các khu xử lý rác sinh hoạt trên địa bàn Đồng Nai đến năm 2010. Theo đó, các huyện có khu xử lý rác thải sinh hoạt từ 10 - 30 hécta, đồng thời dự kiến mở rộng bãi rác sinh hoạt xử lý tập trung cho 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch lên đến 100 hécta. Theo Ông Huỳnh Chí Thắng- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát cho rằng: trong nhiều năm tới, nếu việc thu gom rác thải sinh hoạt vẫn theo kiểu đổ tràn lan tại bãi rác tạm hoặc làm chôn lấp như hiện nay thì ô nhiễm mùi và nguồn nước vẫn còn tiếp tục xảy ra.

Nguyễn Thị Phi