Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 44-T7.2008

Nhận thức và hành động của các cấp lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS

Đăng ngày: 27/07/2008
Qua các kênh thông tin, truyền thông về HIV/AIDS thường đưa ra các tiểu phẩm, hình ảnh, pano áp phích như đầu lâu xương chéo, quả cầu gai hay những thân hình người gầy guộc, tiều tụy... Những hình ảnh này tuy giúp người dân nhận biết sự nguy hiểm của mại dâm-ma túy, nhưng vô tình đã tạo ra sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người có HIV.
Chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS là trách nhiệm của cộng đồng
HIV/AIDS được xác định là một đại dịch nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với tính mạng, sức khỏe con người và tương lai nòi giống của dân tộc, tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, văn hoá, trật tự và an toàn xã hội, đe dọa đến sự phát triển bền vững của đất nước. Hình thái HIV/AIDS ở nước ta vẫn ở trong giai đoạn tập trung, các trường hợp nhiễm HIV/AIDS chủ yếu trong nhóm nguy cơ cao như nghiện chích ma túy, gái mại dâm. Nhưng trong những năm gần đây đã có dấu hiệu lây nhiễm HIV ra ngoài cộng đồng, đã phát hiện những trường hợp nhiễm HIV trong nhóm có nguy cơ thấp như thanh niên khám nghĩa vụ quân sự, phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh.

Đồng Nai là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là một trong những địa phương đi đầu về công nghiệp hóa trong cả nước. Cùng với việc gia tăng dân số cơ học đã kéo theo các hình thức dịch vụ phát triển, vì vậy các tệ nạn xã hội cũng phát triển theo gây rất nhiều khó khăn, phức tạp trong công tác quản lý, phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn. Thực tế cho thấy, tỷ lệ người nhiễm HIV ở tỉnh Đồng Nai hiện đang ở mức cao so với một số tỉnh trong khu vực Đông Nam bộ và cả nước, và là một trong 10 địa phương có số người  nhiễm HIV cao nhất cả nước. Nhận thức được tính chất quan trọng của vấn đề mang tính xã hội này, trong những năm qua, tỉnh Đồng Nai đã có mối quan tâm đặc biệt trong công tác lãnh đạo chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Trong các Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ VII, VIII đều ghi rõ “khống chế tỉ lệ nhiễm HIV/AIDS và giảm tác hại của HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư”, đồng thời nhấn mạnh việc tăng cường sự lãnh đạo của đảng trên lĩnh vực này. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành một hệ thống văn bản về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho nhân dân, đồng thời kiện toàn cơ cấu tổ chức của các đơn vị chức năng. Đối với HĐND tỉnh, hàng năm vào kỳ họp cuối năm, tại Nghị quyết về kinh tế xã hội luôn nêu mục tiêu, nhiệm vụ về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân với những chỉ tiêu cụ thể để tăng cường cán bộ y tế cho tuyến cơ sở, tăng chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Ngoài ra, tại Nghị quyết về chương trình giám sát hàng năm đều có nội dung giám sát công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và công tác giáo dục, tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng cho đối tượng nghiện ma túy, mại dâm, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tại chương trình giám sát của HĐND tỉnh năm 2007, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã tổ chức giám sát công tác này tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát đã phân tích, đánh giá công tác quản lý, chỉ đạo của UBND tỉnh và các cơ quan hữu quan, trên cơ sở đó đã có những kiến nghị cụ thể, xác đáng để nâng cao chất lượng công tác thực hiện phòng, chống, bài trừ tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn mại dâm, ma túy và công tác chăm sóc sức khỏe và tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng cho những người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn.

Chính vì có sự quan tâm, chỉ đạo đúng đắn và kiểm tra, giám sát kịp thời của các cấp lãnh đạo tỉnh, công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh Đồng Nai đã đạt một số kết quả khả quan. Tỉnh đã đẩy mạnh công tác phòng, chống, bài trừ các tệ nạn xã hội, truyền thông và phối hợp liên ngành trong phòng, chống HIV/AIDS, phối hợp triển khai các Dự án lồng ghép với chương trình mục tiêu phòng chống HIV/AIDS, tổ chức các biện pháp kỹ thuật để can thiệp giảm tác hại bằng chương trình cung cấp bơm kim tiêm sạch phát miễn phí và thu gom bơm kim tiêm bẩn, phân phát bao cao su tại các phường, xã. Công tác chăm sóc và điều trị người nhiễm cung được đặc biệt chú trọng thông qua việc tổ chức khám, tư vấn, xét nghiệm, điều trị, thực hiện an toàn truyền máu. Không những thế, vấn đề nguồn nhân lực phục vụ công tác phòng chống HIV/AIDS cũng được quan tâm, tỉnh đã tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các đối tượng tham gia trong công tác này. Kết quả là, trong năm 2007 số người nhiễm HIV đã giảm hơn so với hai năm trước đó ( 851 người/năm 2007- 915 người/năm 2006 - 1.179 người/năm 2005).

Bên cạnh một số kết quả ban đầu, công tác truyền thông trong thời gian qua vẫn nặng tính “hù dọa”. Qua các kênh thông tin, truyền thông về HIV/AIDS thường đưa ra các tiểu phẩm, hình ảnh, pano áp phích rùng rợn, ghê sợ như đầu lâu xương chéo, quả cầu gai, những thân hình người gầy guộc, tiều tụy...Những hình ảnh này tuy giúp người dân nhận biết sự nguy hiểm, nhưng vô tình đã tạo ra sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người có HIV. Thực tế, những người nhiễm HIV còn khỏe mạnh vẫn có thể đóng góp nhiều cho cộng đồng, thế nhưng việc miêu tả người nhiễm HIV chủ yếu là ở giai đoạn AIDS, khiến cộng đồng ngộ nhan người nhiễm virus là vô dụng. Hơn thế nữa, trong nhiều bức tranh, những chữ “ma túy”,mại dâm” “HIV/AIDS” thường đi liền nhau, cho nên cách suy luận phổ thông sẽ hiểu là người có HIV/AIDS đều do tệ nạn. Một khó khăn nữa cho công tác phòng, chống HIV/AIDS là vấn đề nhân lực. Hiện nay, việc thu hút  bác sỹ, cán bộ có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ về làm việc tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh đang gặp khó khăn. Do tính chat đặc thù của công việc có mức lây nhiễm cao, thu nhập hạn chế, vì thế việc thu hút nhân lực càng trở nên khó hơn. Tuy nhiên, hiện nay Sở Y tế đang hoàn thiện đề án “Chính sách thu hút, chế độ trợ cấp đối với cán bộ, viên chức ngành y tế của tỉnh Đồng Nai” chuẩn bị trình ra kỳ họp giữa năm 2008 của HĐND tỉnh, trong đó có đề cập đến chế độ đặc biệt cho đối tượng  cán bộ y tế công tác trong khu vực có mức độ vất vả và lây nhiễm cao như Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Lao và bệnh phổi, Trung tâm pháp y...để thu hút nhân lực vào công tác tại khu vực này. Sau khi đề án được phê duyệt và được triển khai thực hiện, chắc chắn việc thu hút nhân lực sẽ được cải thiện hơn.

Phòng, chống HIV/AIDS mà một vấn đề có tính chất xã hội to lớn, đòi hỏi sự tham gia tích cực của nhiều cấp, nhiều ngành và toàn xã hội. Chính vì khả năng lây nhiễm có thể diễn ra âm thầm trong cộng đồng nên rất khó phát hiện và quản lý nếu không nâng cao ý thức của mọi người về HIV/AIDS và triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS hữu hiệu và đồng bộ trên địa bàn. Chúng ta cần tạo điều kiện cho hỗ trợ  chống lại sự kỳ thị, phân biệt đối xử để người nhiễm HIV/AIDS có thể sống tiếp thời gian còn lại của cuộc đời mình một cách có ý nghĩa, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ và cống hiến sức lực, trí tuệ cho xã hội. Đây là một vấn đề mang tính nhân văn sâu sắc, là biểu hiện của nhận thức và sự hiểu biết của xã hội về HIV/AIDS, chính vì vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết.

Kim Chung