Cử tri xã Bàu Hàm 2 huyện Thống Nhất đề nghị Tỉnh đoàn Đồng Nai cho biết hiện nay Đề án trợ cấp sinh hoạt phí cho Bí thư Chi đoàn ấp đã thực hiện như thế nào ?
Năm 2005 Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tổ chức họp mặt bí thư chi đoàn ấp, khu phố trên địa bàn toàn tỉnh, căn cứ vào kết quả họp mặt bí thư chi đoàn ấp, khu phố; ban Thường vụ Tỉnh đoàn xây dựng đề án đề xuất phụ cấp cho bí thư chi đòan ấp khu phố và trình Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các ngành chức năng của tỉnh.
Ngày 06 tháng 11 năm 2005, Thường trực Tỉnh ủy có văn bản số 6236-CV/TU về việc xem xét chế độ phụ cấp đối với Bí thư chi đoàn ấp, khu phố và đề nghị UBND tỉnh xem xet giải quyết theo thẩm quyền.
Ngày 29 thàng 11 năm 2005, UBND tỉnh có văn bản số 7712/UBND-PPLT gửi Giám đốc Sở Nội vụ, Sở Tài chính, đề nghị xem xét, thẩm định đề xuất ý kiến về chế độ phụ cấp đối với Bí thư chi đoàn ấp, khu phố; tiếp theo đó ngày 20 tháng 2 năm 2006 Thường trực UBND tỉnh có văn bản thông báo kết luận số 999/TB-UBND về kết luận cuộc họp với Ban Thường vụ Tỉnh đoàn về các dự án của Tỉnh Đoàn, theo nội dung thông báo kết luận UBND tỉnh đề nghị Tỉnh đoàn chỉnh sửa một số điểm trong đề án, sau khi hoàn chỉnh đề án phụ cấp cho bí thư chi đoàn ấp, khu phố Ban Thường vụ tỉnh đoàn đã có văn bản số 2354-CV/TĐ gửi các ngành chức năng đề nghị thẩm định và trình UBND tỉnh.
Tại cuộc họp giao ban giữa Thường trực Tỉnh ủy và các đoàn thể, ngày 26/3/2008 Ban Thường vụ Tỉnh ủy có văn bàn số 2919-CV/TU về việc đề xuất giải quyết các kiến nghị của Ban Dân vận Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể tỉnh, theo đó Thường trực Tỉnh ủy đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chủ trì phối hợp cùng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các Đoàn thể thống nhất đề xuất Ban thường vụ Tỉnh ủy trong tháng 5/2008
Từ các nội dung trên, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn xin thông tin đến cử tri xã Bàu Hàm 2 huyện Thống Nhất về đề án phụ cấp đối với Bí thư chi đoàn ấp, khu phố tiến độ và quy trình đề xuất.
Về trách nhiệm Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tiếp tục tham mưu và kiến nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xem xét giải quyết theo đúng quy trình và thủ tục, trong thời gian sớm nhất.
Cử tri xã Bàu Hàm II huyện Thống Nhất phản ảnh: Cần xem xét lại việc cấp phép kinh doanh các đại lý Internet ở xung quanh các trường học vì hiện nay các điểm này quá nhiều, tác động xấu đến học sinh trong khi nhà trường không quản lý được.
Ngày 18/4/2008, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đã cử nhóm chuyên viên phối hợp cùng địa phương kiểm tra, khảo sát thực tế mạng đại lý hiện có trên địa bàn xã và xin được trả lời như sau:
Trước hết xin cám ơn về sự phản ảnh của bà con cử tri xã Bàu Hàm II; qua đây cũng xin được giải trình: việc cấp phép kinh doanh dịch vụ Internet thuộc chức năng của phòng Tài chính - Kế hoạch huyện và hiện tại theo các quy định của pháp luật thì không hạn chế khoảng cách giữa các trường học va đại lý Internet. Tuy nhiên theo quy định tại khoản (3) Điều (11) Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA của Bộ Văn hoá – Thông tin, Bộ Bưu chính - Viễn thông, Bộ Công an về quản lý trò chơi trực tuyến (games online) thì các đại lý Internet chỉ được cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến (games online) ở các địa điểm cách cổng ra vào của các trường học tối thiểu 200m.
Xã Bàu Hàm II có diện tích khoảng 2.019 ha, dân số khoảng 9.065 người và có 05 trường học từ mẫu giáo đến phổ thông trung học. Hiện tại trên địa bàn xã có 11 đại lý Internet như vậy mật độ đại lý Internet trên địa bàn xã không cao và hầu hết các đại lý đều đảm bảo khoảng cách theo đúng quy định. Chỉ có 02 đại lý cách cổng trường PTTH Dầu Giây dưới 200m, sau khi kiểm tra 02 đại lý này đã cam kết không cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến games online, nếu tái phạm sẽ bị đình chỉ hoạt động.
Nhân đây Sở Thông tin và Truyền thông cũng xin nói rõ hơn về nhu cầu thông tin trong xã hội để bà con cử tri được rõ: Sự phát triển của dịch vụ Internet nói chung và các đại lý Internet nói riêng đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi trong việc truy cập các thông tin phục vụ sản xuất về khoa học, đào tạo, vui chơi, giải trí qua mạng để không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Điều kiện thưc tế hiện nay cho thấy, không phải gia đình nào cũng có thể lắp đặt đường truyền Internet nên việc phát triển đại lý Internet là hết sức cần thiết, đúng theo chủ trương, định hướng phát triển của Ngành về viễn thông và công nghệ thông tin, thực hiện phổ cập Internet, nhằm tạo điều kiện cho mọi người dân được tiếp cận, tìm hiểu thông tin phục vụ sản xuất, học tập và đời sống.
Tuy nhiên dịch vụ này cũng có những mặt trái của nó. Vì vậy, để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến xã hội, đặc biệt đến đối tượng là học sinh cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội và các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của các em, đồng thời có những biện pháp quản lý trong nhà trường cũng như tại gia đình. Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo mà cụ thể là phòng Văn hoá thông tin và Thể thao, phòng Giáo dục huyện Thống Nhất và các ban ngành, đoàn thể của địa phương tăng cường công tác kiểm tra giám sát và áp dụng các biện pháp tốt hơn. Bên cạnh đó cũng sẽ cương quyết xử lý những đại lý cố tình vi phạm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực này.
Sở Thông tin và Truyền thông chân thành cảm ơn bà con cử tri đã phản ảnh, nhằm giúp cho Sở và các cơ quan chức năng quản lý làm tốt hơn nữa trong công tác thanh kiểm tra, quản lý chất lượng thông tin do các đại lý Internet cung cấp cho khách hàng.
Ban Biên tập