 |
Thường trực Hội đồng PHCTPBGDPL thị xã Long Khánh báo cáo |
Mục đích của Chương trình là đưa thông tin về pháp luật đến tận cơ sở để nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật cho nhân dân góp phần vào việc tạo điều kiện cho người dân hiểu để sống và làm việc theo pháp luật. Để cụ thể hóa quy định nêu trên, tại địa bàn tỉnh Đồng Nai, Hội đồng Phối hợp công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch nhằm cụ thể hóa việc triển khai thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Xác định được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nên ngay từ cuộc giám sát đầu tiên của năm 2009, Tổ đại biểu Long Khánh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát về nội dung này; đối tượng chịu sự giám sát là Hội đồng phối hợp công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật của thị xã (sau đây gọi tắt là Hội đồng phổ biến pháp luật).
Điểm nổi bật mà đoàn giám sát ghi nhận được đó là kết quả đáng khích lệ của công tác hòa giải ở cơ sở. Thống kê từ năm 1998 cho thấy kết quả hòa giải thành tại địa bàn Long Khánh đạt tỷ lệ 72,43%. Đây có thể nói là một tỷ lệ lớn so với tình hình chung trong tỉnh và điều này cũng được minh chứng bằng thực tế Long Khánh là một địa bàn ít phát sinh khiếu nại cũng như khiếu nại đông người. Tuy nhiên, đoàn giám sát cũng lưu ý Hội đồng phổ biến pháp luật cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được của công tác hòa giải ở cơ sở, đặc biệt chú ý công tác hòa giải trong lĩnh vực đất đai vì hầu hết khiếu nại phát sinh trong lĩnh vực này và chú ý việc đánh giá đúng thực chất của những kết quả để công tác hòa giải ở cơ sở thực sự giúp cho các ngành, các cấp ở địa phương trong việc giải quyết khiếu nại hiện nay. Cũng trong công tác hòa giải thì Tòa án nhân dân thị xã đã có mối quan hệ phối hợp thông tin tốt với các Ban hòa giải để kịp thời thông tin về kết quả những vụ việc đã hòa giải ở cơ sở nhưng không thành và được chuyển đến Tòa án nhân dân.
Về hoạt động của Hội đồng phổ biến pháp luật, có thể nói về cơ cấu tổ chức cũng như hệ thống các văn bản chỉ đạo, triển khai thuộc trách nhiệm của Hội đồng phổ biến pháp luật đều được thực hiện đầy đủ, đúng quy định và đúng thời gian. Năm 2009, Hội đồng phổ biến pháp luật cũng đã xây dựng kế hoạch hoạt động trong đó phần công trách nhiệm của các thành viên, các cơ quan có liên quan nhằm huy động sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị phục vụ cho công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Có thể kể ra vai trò rõ nét của một số tổ chức thành viên: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Đài truyền thanh, phòng Văn hóa thông tin.
Về các nội dung khác liên quan đến công tác tuyên truyền pháp luật như: Xây dựng và khai thác tủ sách pháp luật; bồi dưỡng trình độ, kiến thức cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; tuyên truyền pháp lý lưu động; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Tư pháp cấp xã … theo quy định chung của Chương trình Quốc gia về tuyền truyền phổ biến giáo dục pháp luật đều được triển khai thực hiện với những mức độ kết quả khác nhau. Đây chính là những vấn đề mà đoàn giám sát lưu ý và có kiến nghị đối với Hội đồng phổ biến pháp luật.
Vấn đề có nhiều ý kiến quan tâm kiến nghị đó là việc khai thác các tủ sách pháp luật ở cơ sở. Công tác quản lý chưa thực sự khoa học, số lượng đầu sách có hạn và không theo kịp với tiến trình xây dựng pháp luật, việc thu hút bạn đọc đến với tủ sách chưa đạt kết quả cao là vấn đề chung của hầu hết các tủ sách pháp luật trên địa bàn tỉnh mà không phải là vấn đề riêng của Long Khánh. Sự phù hợp giữa nội dung tuyên truyền và đối tượng tuyên truyền cũng là vấn đề quan tâm tiếp theo. Thành viên của đoàn giám sát nêu lên một hình tượng ví dụ cụ thể: Nếu tuyên truyền về an toàn giao thông nhưng chỉ có người già tham gia thì tác dụng của tuyên truyền sẽ không lớn vì người già thường ít tham gia giao thông. Trong công tác tuyên truyền phải xây dựng lực lượng tuyên truyền viên nòng cốt là những người không chỉ có kiến thức pháp luật mà còn phải có uy tín, có năng khiếu trong việc truyền tải thông tin một cách thuyết phục, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện theo đến người nghe.
Riêng hoạt động của Chi nhánh Trung tâm trợ giúp pháp lý tại địa bàn Long Khánh cần được đặc biệt quan tâm hơn nữa. Theo Luật trợ giúp pháp lý thì phải có Trưởng Chi nhánh hoạt động chuyên trách và các điều kiện đảm bảo cho hoạt động của tổ chức này. Tuy nhiên do tình hình nhân sự của phòng Tư pháp (cơ quan Thường trực của Hội đồng phổ biến pháp luật) trong thời gian vừa qua khó khăn đã kéo theo khó khăn về nhân sự của Chi nhánh và vấn đề này cần phải được khắc phục một cách nhanh chóng trong thời gian sớm nhất.
Trưởng đoàn giám sát cũng đã lưu ý Hội đồng phổ biến pháp luật là trong công tác tuyên truyền cần coi trọng thuận lợi cho người được tuyên truyền lên trên thuận lợi cho người đi tuyên truyền. Cụ thể điều này đồng nghĩa với việc tuyên truyền cần hướng đến các khu dân cư xa các trung tâm; tuyên truyền vào các ngày nghỉ; tuyên truyền vào ban đêm. Bên cạnh đó đoàn giám sát cũng đề nghị Hội đồng phổ biến pháp luật cần chú trọng công tác tuyên truyền mang tính chất thời sự đối những việc chỉ xảy ra trong những thời gian, thời điểm nhất định cần đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền mà cụ thể hiện nay là công tác tuyên truyền cho cuộc Tổng điều tra về Dân số và nhà ở. Công tác hòa giả ở cơ sở trong năm 2009 cần phát huy kết quả đã đạt được và phải thực hiện các giải pháp đồng bộ về thực hiện chế độ cho người làm công tác hòa giải; tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ và củng cố về mặt tổ chức để hòa giải ở cơ sở thực sự giúp các cơ quan nhà nước trong việc hạn chế phải giải quyết các khiến nại, tranh chấp bằng pháp luật.
Để thực hiện tốt các nội dung giám sát cần đến tính tích cực, chủ động của Hội đồng phổ biến pháp luật và từng thành viên; sự phối hợp, hỗ trợ của Hội đồng phổ biến pháp luật cấp tỉnh và một phần không thể thiếu đó là sự cộng tác của người dân để pháp luật có điều kiện đến với mọi người, mọi nhà.
Nguyễn Thị Oanh