Đánh giá về tình hình lấy ý kiến cho thấy, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã dành sự quan tâm, tìm hiểu và nghiên cứu góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đã có 11/11 đơn vị cấp huyện, 85/85 đơn vị cấp tỉnh tổ chức góp ý và gửi báo cáo kết quả lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về Ban Chỉ đạo tỉnh. Toàn tỉnh đã tổ chức được 2.411 hội nghị, tuyên truyền đến 534.998 lượt người. Đài Phát thanh- Truyền hình Đồng Nai tổ chức 45 cuộc phỏng vấn, Báo Đồng Nai thực hiện 50 cuộc phỏng vấn góp ý và 120 văn bản góp ý của các tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức kỳ họp chuyên đề về lấy ý kiến đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh vào ngày 07/3/2013 với sự tham dự của 76 đại biểu HĐND. Tại kỳ họp, đã có 15 ý kiến phát biểu về 88 nội dung được nghiên cứu, thảo luận và góp ý sâu đối với lời nói đầu và tất cả các chương của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tại Đồng Nai ngày 12/3/2013
Qua tổng hợp báo cáo của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương trong toàn tỉnh, có tổng số 521.632 lượt ý kiến tán thành với nội dung Dự thảo; không có ý kiến không tán thành nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, trong đó có 519.281 ý kiến tán thành toàn bộ nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (99,55%), 2.351 ý kiến tán thành nhưng đề nghị điều chỉnh, bổ sung nội dung một số Chương, điều của Dự thảo (0,45%). Trong số 519.281 ý kiến tán thành toàn bộ nội dung Dự thảo, có 235 ý kiến của cơ quan, tổ chức và 519.046 ý kiến của cá nhân. Trong số 2.351 ý kiến tán thành nhưng đề nghị điều chỉnh, bổ sung nội dung một số Chương, điều của Dự thảo, có 392 ý kiến của cơ quan, tổ chức và 1.959 ý kiến cá nhân.
Kết quả góp ý kiến của tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực cụ thể như sau: Đối với ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức có 627 lượt ý kiến góp ý (chiếm 0,12%) tổng số lượt ý kiến; cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân có 521.005 lượt ý kiến góp ý (chiếm 99,88%) tổng số lượt ý kiến góp ý (trong đó có 519.04 ý kiến tán thành toàn bộ, 1.959 ý kiến góp ý tán thành nhưng đề nghị chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung trong Dự thảo). Trong đó, cán bộ, công chức, viên chức có 18.530 ý kiến góp ý; trí thức có 316 ý kiến góp ý; chức sắc tôn giáo có 94 ý kiến góp ý; đồng bào có đạo có 2.740 ý kiến góp ý; đồng bào dân tộc có 120 ý kiến góp ý; sinh viên, học sinh, thanh niên có 125.433 ý kiến góp ý; công nhân và người lao động có 325.020 ý kiến góp ý và nông dân có 48.752 ý kiến góp ý.
Thuận lợi của đợt lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại Đồng Nai là được sự quan tâm, chỉ đạo và hướng dẫn thường xuyên của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Chính phủ và Bộ Tư pháp trong công tác tổ chức lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, chặt chẽ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo tỉnh, Thường trực HĐND, UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đồng Nai; các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội địa phương trong hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị và địa phương trong toàn tỉnh tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Kịp thời in ấn, gửi tài liệu và tổ chức các Hội nghị triển khai, hội nghị tập huấn, hội nghị lấy ý kiến đúng tiến độ và thời gian quy định. Các sở, ban, ngành, địa phương đã đề cao trách nhiệm, có sự phối hợp chặt chẽ và thực hiện đúng yêu cầu trong công tác quán triệt tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến. Việc tổ chức lấy ý kiến tại các đơn vị, địa phương đảm bảo đồng bộ, hiệu quả và đúng tiến độ quy định.
Ông Phan Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Tổ trưởng Tổ giúp việc BCĐ tỉnh tổ chức lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 phát biểu tại buổi làm việc của Đoàn Kiểm tra Trung ương
Bên cạnh những thuận lợi, công tác tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 gặp những khó khăn do được tiến hành trong thời gian ngắn, trùng với thời gian nghỉ Tết Nguyên đán; địa bàn rộng, dân số đông, lực lượng công nhân lao động nhiều, người dân ở vùng sâu, vùng xa chưa tổ chức lấy ý kiến đầy đủ được. Tài liệu hướng dẫn gợi ý, góp ý về Hiến pháp của Trung ương ban hành chưa kịp thời. Hướng dẫn công tác tập hợp, tổng hợp số liệu báo cáo còn chậm nên một số địa phương, cơ quan, đơn vị đã có báo cáo phải thực hiện tổng hợp, báo cáo lại. Tuy nhiên, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại Đồng Nai đã thực sự là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn. Thông qua đợt lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của Hiến pháp và cũng thông qua dịp này, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, các chiến sĩ lực lượng vũ trang, đồng bào dân tộc, đồng bào có đạo, nhân dân trong tỉnh và kiều bào Đồng Nai sinh sống ở nước ngoài đã phát huy vai trò, trách nhiệm công dân trong việc nghiên cứu, đóng góp ý kiến và đề xuất sửa đổi bổ sung cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được quan tâm thực hiện nên các đối tượng lấy ý kiến rất phong phú, đa dạng tham gia góp ý. Việc lấy ý kiến được tổ chức dưới nhiều hình thức như Hội nghị, thông qua trang thông tin điện tử, thư tay và thông qua phỏng vấn của các phương tiện thông tin đại chúng. Ban Chỉ đạo tỉnh Đồng Nai, Thường trực HĐND, UBND tỉnh và các cấp ủy đảng đã thường xuyên theo dõi, đôn đốc và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai các hoạt động lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bám sát nội dung, yêu cầu theo Kế hoạch đã đề ra.
Công tác bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội, không để các đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong quá trình tổ chức lấy ý kiến được đảm bảo. Chưa phát hiện có ý kiến trái chiều, phản bác, luận điệu xuyên tạc trái với chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quá trình tổng hợp ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được tiếp tục tiến hành đến 30/9/2013. Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, các địa phương sẽ tổ chức in ấn toàn văn dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và phiếu xin ý kiến đến từng hộ gia đình để đảm bảo sự tham gia ý kiến đầy đủ, rộng khắp của các tầng lớp nhân dân với dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Các cơ quan, tổ chức cần triển khai tổ chức Hội nghị, hội thảo, tọa đàm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; đối với các tổ chức Đảng, đoàn thể, tổ chức lấy ý kiến ở chi bộ Đảng, chi đoàn thanh niên, các chi hội cơ sở, khu công nghiệp, trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp để các tầng lớp nhân dân tiếp tục tham gia tích cực vào quá trình đề xuất sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 phù hợp với tình hình mới.
Nguyễn Thị Oanh