Tiếp theo, kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm và biến động phức tạp, giá cả tăng cao, lạm phát diễn biến trên quy mô toàn cầu. Ở trong nước, thiên tai, dịch bệnh gây thiệt hại nặng nề làm cho việc kiềm chế các ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất khó khăn hơn trong phạm vi cả nước, trong đó có Đồng Nai.
Tuy nhiên, năm 2008 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 được xây dựng trong bối cảnh thời cơ, thuận lợi rất lớn từ 20 năm đổi mới. Đồng thời với sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ là “phấn đấu kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng hợp lý, bền vững; trong đó, kiềm chế lạm phát là mục tiêu ưu tiên hàng đầu” với sự tập trung mọi nỗ lực thực hiện đồng bộ 8 nhóm giải pháp lớn.
Đồng Nai đã triển khai chủ trương trên một cách khẩn trương, điều hành thận trọng, linh hoạt những vấn đề phát sinh. Đồng thời với sự nỗ lực, quyết tâm lớn của Đảng bộ, các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đoàn kết, vượt qua những khó khăn thách thức, làm cho nền kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển đáng khích lệ.
Thể hiện, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2008 dự ước tăng 15,5% đạt mục tiêu Nghị quyết. Trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 16,8%; ngành dịch vụ tăng 17,3%; ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 5,6%; GDP bình quân theo đầu người tương đương 1.316USD (tính theo giá thực tế). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Công nghiệp 57,9%; Dịch vụ 31,5%; Nông, lâm nghiệp, thủy sản 10,6%. Vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 49,6% GDP. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 3 tỉ USD, đạt 200% so mục tiêu. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 25,1% so cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu tăng 28,7% so cùng kỳ. Tổng thu ngân sách đạt 108,1% so dự toán, tăng 10% so cùng kỳ. Tạo việc làm mới 65.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 49,5% cao hơn mục tiêu nghị quyết; tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 37,5% đạt mục tiêu nghị quyết. Hạ tỉ lệ hộ nghèo từ 6,15% xuống còn 4,14%, đạt cao hơn mục tiêu nghị quyết; tỉ lệ hộ dùng điện đạt 98% đạt mục tiêu nghị quyết; các chỉ tiêu về sự dụng nước sạch, độ che phủ rừng, thu gom chất thải đều đạt mục tiêu nghị quyết. Các vấn đề y tế, giáo dục, xã hội được quan tâm và có bước tiến tích cực. Trật tự an toàn xã hội và trật tự an ninh được đảm bảo.
Nhưng qua quá trình phát triển, kinh tế Đồng Nai vẫn bộc lộ những mặt hạn chế về: tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ chưa tương xứng với tiềm năng; sản xuất nông nghiệp chưa có chuyển dịch nhanh theo hướng tiếp cận ứng dụng công nghệ hiện đại, sản xuất nông phẩm xanh, sạch; các sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ và kỹ thuật cao chiếm tỉ trọng rất khiêm tốn; khu vực kinh tế trong nước phát triển nhanh nhưng chưa đủ mạnh, để phối hợp phát huy hiệu quả cùng với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; tình trạng ô nhiễm môi trường đáng quan ngại từ đô thị tới nông thôn và nhất là ở các khu công nghiệp, ở vùng chăn nuôi công tác giảm nghèo còn chưa căn cơ, chưa bền vững; cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu là khâu đột phá; An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn còn diễn biến phức tạp; Quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện có bước tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Qua kết quả một năm phấn đấu thực hiện nhiệm vụ KTXH, những hạn chế, qua thực tiễn điều hành cho thấy bối cảnh chung tình hình trên thế giới, trong nước gặp nhiều khó khăn thách thức, nhưng kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt mức chỉ tiêu nghị quyết đề ra, bước đầu có thể rút ra một số bài học thiết thực sau đây:
Một là, thực hiện Nghị quyết của Đảng, chính phủ về nhiệm vụ KTXH trong năm 2008, Tỉnh ủy, HĐND và UBND phải biết gắn nhiệm vụ được giao với thực tiễn sinh động của địa phương và cả nước. Trên cơ sở đó chủ động, tích vực phối hợp xây dựng kế hoạch kinh tế xã hội của tỉnh. Đồng thời triển khai thực hiện tích cực ngay từ ngày đầu, tháng đầu và quý đầu của năm, kết hợp chặt chẽ với việc giám sát, kiểm tra, đôn đốc quyết liệt việc thực thi nhiệm vụ. Đấy là điều có ý nghĩa quyết định trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành kinh tế xã hội trong địa phương.
Hai là, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, phối hợp, liên kết chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu là yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi. Xác định các vấn đề trọng tâm, trọng điểm để có các biện pháp chủ động, tích cực và thống nhất. Xử lý kịp thời các vụ việc trong các lĩnh vực KTXH còn có bức xúc, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả và giữ vững niềm tin của nhân dân.
Ba là, sự đoàn kết nhất trí trong chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh ủy, HĐND, UBND và MTTQ tỉnh và sự phối hợp đồng bộ của các sở, ngành và các địa phương của tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ là mục tiêu cao nhất. Đồng thời thực hiện cơ chế thống nhất trong lãnh đạo, có phân công thực hiện và phối hợp chặt chẽ trong điều hành và có trọng tâm, trọng điểm đối với các lĩnh vực then chốt.
Bốn là, chú trọng nguồn nhân lực, phát hiện, thu hút nhân tài là vấn đề quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức trong lĩnh vực sự nghiệp, quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, nhất là đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt, bảo đảm thực sự có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, có tâm huyết và trách nhiệm cao trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Năm là, không chủ quan bị động, có dự báo dự đoán, nắm sát thực tiễn để tích cực điều hành phát triển kinh tế xã hội cho phù hợp với tình hình biến động, những thách thức phát sinh và tổ chức hành động với trách nhiệm cao nhất.
Sáu là, trong lãnh đạo, chỉ đạo cần nhận rõ những hạn chế, yếu kém bộc lộ ra trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ, để có những giải pháp khắc phục ngay nhằm hạn chế tối đa những tiêu cực, và hậu quả của nó gây ra cho kinh tế xã hội.
Năm 2008 có thể nói là một năm đầy những biến động, những thách thức cam go. Được sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương và với 8 nhóm giải pháp cơ bản điều hành của kinh tế vĩ mô, Đảng bộ, các cấp chính quyền, nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nổ lực phấn đấu, vượt qua những thách thức, để đạt và vượt các mục tiêu của tỉnh trong năm là một kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, năm 2008 là một thời đoạn khá đặc biệt, từ những thuận lợi trước những thành tựu đủ đạt được và những cơ hội mở ra sau khi nước ta gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO), chúng ta lại đứng trước những khó khăn thách thức gay gắt và những lo toan về triển vọng phát triển và cuộc sống của mỗi người dân; từ tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, lạm phát thấp nay lại phải đương đầu lạm phát cao, tăng trưởng chậm lại và hậu quả của nó còn có thể kéo dài.
Đối với Đồng Nai sau 3 năm thực hiện, một số chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2006 – 2010 đủ cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức, những nhiệm vụ còn lại trong năm 2009 và 2010 là rất nặng nề, nhiều chỉ tiêu khó đạt kế hoạch. Cải cách hành chính, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Hậu quả của cơn bão tài chính toàn cầu chưa thể khắc phục trong một sớm, một chiều, kinh tế của tỉnh còn nhiều hạn chế, sức cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn, thiên tai, dịch bệnh vẫn là nỗi lo tiềm ẩn. Tuy thế, Đồng Nai vẫn còn những thuận lợi cơ bản là nội lực và tiềm năng còn lớn, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, các nhà đầu tư vẫn tin vào triển vọng phát triển của tỉnh. Điều đặc biệt khát vọng và ý chí xây dựng tỉnh Đồng Nai trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại đã trở thành một động lực thúc đẩy Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh nỗ lực vượt qua thách thức và tin vào một ngày mai tươi đẹp hơn.
NGÔ TRỌNG PHÚC