Về cơ cấu, tổ chức của HĐND các cấp
- Về cơ cấu đại biểu HĐND :Số lượng và chất lượng đại biểu được nâng lên so với trước. Cơ cau đại biểu tương đối hợp lý, đảm bảo tính đại diện. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa cơ cấu và chất lượng chưa được giải quyết căn bản, hợp lý nên vẫn còn những đại biểu chưa đáp ứng được yêu cầu hoạt động, tỷ lệ đại bieu của các cơ quan hành chính trong HĐND các cấp vẫn chiếm khá cao.
-Về cơ cấu tổ chức của Thường trực HĐND :Tổ chức của Thường trực HĐND các cấp có nhiều đổi mới, Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện được bổ sung chức danh ủy viên thường trực, Thường trực HĐND cấp xã được thành lập. Về bố trí nhân sự thì hầu hết Chủ tịch HĐND các cấp là Bí thư, Phó bí thư nên từ đó đã tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với hoạt động của HĐND. Việc bố trí đại biểu chuyên trách trong thường trực HĐND tăng lên so với nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì Thường trực HĐND cấp xã không có ủy viên thường trực và qua báo cáo của các tỉnh, thành phố cho thấy còn có một số cấp ủy Đảng ở địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức đến vấn đề này nên việc bố trí cán bộ chưa tương xứng với vị trí, vai trò của HĐND mà cụ thể là hiện nay ở cấp tỉnh có 12 Chủ tịch HĐND là ủy viên thường vụ, đa số Phó chủ tịch HĐND không phải là ủy viên thường vụ mà hầu hết các ủy viên thường trực không tham gia cấp ủy cùng cấp. Thực tế công tác bố trí nhân sự ở một số địa phương chưa phù hợp va không tương xứng với vai trò, vị trí của HĐND nên ảnh hưởng đến mối quan hệ công tác và hiệu quả hoạt động.
- Về cơ cấu tổ chức các Ban của HĐND:So với nhiệm kỳ trước, tỷ lệ Trưởng, phó Ban hoạt động chuyên trách tăng lên đáng kể. Đồng Nai bố trí cả Trưởng, Phó Ban hoạt động chuyên trách ở cấp tỉnh, và Trưởng hoặc Phó Ban hoạt động chuyên trách ở cấp huyện, đồng thời thành lập thí điểm Ban HĐND cấp xã.
Tuy nhiên, vẫn còn có một số tỉnh chưa bố trí đủ đại biểu hoạt động chuyên trách ở tất cả các Ban theo quy định của Quy chế hoạt động của HĐND. Trong đó 2 Ban của HĐND cấp huyện đại biểu hoạt động chuyên trách chỉ chiếm 7,5% vì theo quy định Ban HĐND cấp huyện chỉ được khuyến khích bố trí Trưởng hoặc Phó Ban hoạt động chuyên trách. Theo quy định của pháp luật, cấp xã không thành lập Ban nên hoạt động thẩm tra, giám sát rất nhiều bất cập, vì vậy Đồng Nai đã thí điểm thành lap Ban HĐND cấp xã để phục vụ, thực hiện công tác thẩm tra, giám sát mà thực tế cho thấy qua một năm hoạt động đã mang lại hiệu quả thiết thực.
- Về phục vụ hoạt động của HĐND :Các điều kiện đảm bảo hoạt động của HĐND đã được chú trọng nhưng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu hoạt động, số lượng biên chế của văn phòng HĐND cấp tỉnh còn ít so với yêu cầu thực tế, HĐND cấp huyện chỉ có một chuyên viên tham mưu, giúp việc, HĐND cấp xã chưa bố trí được người tham mưu, giúp việc…
Về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp
Ở nước ta, HĐND các cấp được xác định là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ýy chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. HĐND thực hiện hai chức năng cơ bản : quyết định các vấn đề quan trọng và giám sát hoạt động các cơ quan, tổ chức, đơn vị và công dân ở địa phương. Vấn đề này đã thể hiện ở một số mặt hoat động chính sau đây :
1. Kỳ họp HĐND :Nhìn chung, kỳ họp HĐND các cấp được chuẩn bị chu đáo, diễn ra đúng luật và có chất lượng. Nội dung, chương trình kỳ họp ngày càng nhiều, khối lượng các công việc rất lớn nên thời gian tổ chức kỳ họp đã được tăng lên. Đối với kỳ họp thường lệ ở cấp tỉnh khoảng 3-4 ngày, cấp huyện 2 ngày, cấp xã 1 ngày. Đại biểu HĐND đã dành thời gian tiếp xúc cử tri trước kỳ họp , nghiên cứu tài liệu. Các Ban cua HĐND thực hiện công tác thẩm tra đúng quy trình, thủ tục và thời gian theo quy định và có sự đầu tư đúng mức nên chất lượng báo cáo thẩm tra có nâng lên, có tính phản biện, đề xuất giải pháp, kiến nghị sửa đổi, bổ sung làm cơ sở để HĐND thảo luận và quyết định.Việc điều hành kỳ họp của Thường trực HĐND các cấp đã được cải tiến đáng kể, dành nhiều thời gian cho việc thảo luận, hoạt động chất vấn, rút ngắn thời gian đọc và trình bày báo cáo. Nhiều địa phương đã tổ chức kỳ họp chuyên đề để tập trung thảo luận, quyết định những vấn đề quan trọng, những vấn đề mà cử tri quan tâm, có nhiều bức xúc. Công tác tổ chức, tuyên truyền đưa tin đã được chú trọng tạo điều kiện cho cử tri theo dõi kỳ họp, góp phần mở rộng dân chủ, công khai về các hoạt động của HĐND, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của các đại biểu và các cơ quan hữu quan.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tổ chức kỳ họp HĐND còn có một số hạn chế nhất định thể hiện như sau : Chất lượng kỳ họp chưa thật sự đồng đều ở 3 cấp. Công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ họp có nơi chưa đúng thời hạn luật định nhất là gửi tài liệu đến đại biểu nghiên cứu trước kỳ họp. Thời gian tổ chức kỳ họp của HĐND ở một số xã còn ít, khoảng 1 ngày thậm chí nửa ngày nên còn nặng về hình thức. Tình trạng đại biểu họp không có tài liệu ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn còn. Việc điều hành kỳ họp ở cấp huyện và đặc biệt là cấp xã ở một số địa phương chưa thật sự phát huy dân chủ và trí tuệ tập thể, một bộ phận đại biểu hoạt động kiem nhiệm chưa dành thời gian thích đáng cho việc nghiên cứu tài liệu, không tham gia hoặc ít phát biểu ý kiến tại các buổi thảo luận.
2. Quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương :Trong những năm vừa qua, HĐND các cấp đã có nhiều đổi mới trong việc quýyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương. Việc trình bày báo cáo, thảo luận quyết định tại kỳ họp được thay đổi theo hướng trình bày tóm tắt, tập trung thảo luận những vấn đề trọng tâm, cốt lõi, những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Nhờ vậy, các Nghị quyết HĐND thông qua nhìn chung đạt được sự thống nhất cao, chất lượng được nâng lên, sát tình hình thực tế địa phương và có tính khả thi, đem lại hiệu quả thiết thực, tạo sự chuyển biến tích cực ở địa phương, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri. Số lượng các Nghị quyết chuyên đề của HĐND ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, trong việc quyết định các vấn đề quan trọng ơ địa phương còn có những hạn chế sau : Trong khi ở cơ sở có nhiều vụ việc nổi cộm phải xử lý, nhưng số lượng Nghị quýyết chuyên đề của HĐND cấp huyện, cấp xã để xử lý các vấn đề đó vẫn còn ít. Một số đia phương, thời gian tổ chức kỳ họp thì ngắn nhưng ban hành nhiều Nghị quyết, trong khi dự thảo Nghị quyết, đề án trình ra HĐND chưa chuẩn bị kỹ thậm chí không có đề án, tờ trình không được thẩm định, thẩm tra, việc xem xét thảo luận chưa sau nên khi ban hành Nghị quyết không phát huy được hiệu quả trên thực tế.
3. Hoạt động giám sát của HĐND :Giám sát là một chức năng quan trọng của HĐND. Lần đầu tiên Luật tổ chức HĐND và UBND có một chương quy định về hoạt động giám sát của HĐND. Quy chế hoạt động của HĐND đã cụ thể quyền hạn, nhiệm vụ, trình tự, thủ tục tiến hành hoạt động giám sát. Thường trực HĐND các cấp đã xây dựng nội dung, chương trình giám sát hàng năm trình HĐND thông qua đã tạo sự chủ động cho Thường trực, Ban, đại biểu và các cơ quan, tổ chức hữu quan chủ động tham gia hoạt động giám sát. Chính vì vậy, hoạt động giám sát đã và đang từng bước đi vào nề nếp, có chương trình, kế hoạch cụ thể ở từng thời điểm. Tại kỳ họp, các báo cáo, đề án được đại biểu đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ đóng góp nhiều ý kiến, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn từng bước được cải tiến. Tuy nhiên, hoạt động chất vấn của HĐND vẫn còn nhiều hạn chế. Nhìn chung số lượng chất vấn ở mỗi kỳ họp còn ít, chưa phản ánh hết những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương, tình trạng đại biểu ne nang, né tránh, ngại đụng chạm trong hoạt động chất vấn vẫn còn phổ biến. Việc theo dõi, đôn đốc trả lời chất vấn chưa được quan tâm đúng mức. Công tác giám sát hoạt động thông qua xem xét báo cáo tại kỳ họp HĐND còn nặng tính hình thức, số lượng các đoàn giám sát tăng nhưng ít tháo gỡ được những vấn đề bức xúc, nhiều đại biểu chưa dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động giám sát. Không ít các kiến nghị, giám sát còn chung chung, chưa xác đáng. Việc theo dõi, đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau giám sát còn thiếu kiên quyết.
Một số kiến nghị
* Đối với các cơ quan Đảng: Kiến nghị Ban Chấp hành Trung ương cần nghiên cứu tổ chức hội nghị bàn về công tác lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan dân cử nói chung, trong đó quan tâm đến tổ chức và hoạt động của HĐND; nghiên cứu, quy định nhiệm kỳ của cấp ủy Đảng ở địa phương sát với nhiệm kỳ của HĐND. Lãnh đạo công tác nhân sự trong bầu cử theo hướng chú trọng tăng thêm tỷ lệ đại biểu của các cơ quan Đảng, đoàn thể, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, đại biểu ngoài Đảng, tăng tỉ lệ đại biểu chuyên trách.
- Có quy hoạch cán bộ đối với nhân sự Thường trực và các Ban của HĐND, hướng dẫn quản lý cán bộ đối với chức danh Ủy viên Thường trực; bố trí 01 đồng chí Phó Bí thư giữ chức vụ Chủ tịch HĐND chuyên trách, nếu đồng chí Bí thư kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐND thì bố trí 01 đồng chí Ủy viên Thường vụ giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách; nên cơ cấu Ủy viên Thường trực trong cấp ủy Đảng cùng cấp nhằm tăng cường vị trí và khả năng hoạt động cho Thường trực HĐND.
* Đối với Quốc hội: Cần đưa vào chương trình xây dựng pháp luật việc ban hành và sửa đổi một số Luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của HĐND; sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức HĐND-UBND theo hướng quy định bổ sung chức danh Ủy viên Thường trực trong Thường trực HĐND cấp xã để đảm bảo chế độ làm việc tập thể và tạo sự thống nhất về tổ chức của Thường trực HĐND ở cả ba cấp; tách Ban KTXH của HĐND cấp huyện thành hai Ban; thành lập Ban ở HĐND cấp xã; tăng thêm số thành viên hoạt động chuyên trách ở các Ban HĐND; sửa đổi Luật bầu cử đại biểu HĐND trong đó quy định Thường trực HĐND khóa trước có nhiệm vụ giới thiệu và nhận xét về đại biểu tái cử; Ban hành Luật về hoạt động giám sát của HĐND; trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, UBTVQH cần tăng cường công tác giám sát, hướng dẫn hoạt động, tổ chức các lớp bồi dưỡng, hội thảo… để nâng cao kỹ năng hoạt động của HĐND.
* Đối với Chính phủ: Sửa đổi Nghị định 133/2004/NĐ-CP về thành lập, quy định chức năng nhiệm vụ của Văn phòng HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo hướng giao cho HĐND quyết định số lượng biên chế văn phòng giúp việc phù hợp với đặc điểm tình hình cụ thể ở địa phương, tăng cường bộ phận giúp việc cho HĐND cấp huyện và bố trí chuyên viên phục vụ hoạt động của HĐND cấp xã; ban hành chế độ sử dụng kinh phí của HĐND các cấp phù hợp với hoạt động đặc thù của HĐND.
Nguyễn Văn Hùng
Trưởng Ban VHXH HĐND tỉnh