Trong những ngày cuộc kháng chiến chống Pháp lên cao, thu hút nhiều thanh niên nam nữ tham gia quân đội, một số chiến sĩ đã hy sinh anh dũng, một số nữa là thương binh, bệnh binh, đời sống gặp nhiều khó khăn mặc dù anh em tình nguyện chịu đựng không kêu ca, phàn nàn. Trước tình hình ấy, tháng 6 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ chọn một ngày nào đó trong năm làm “ngày thương binh” để đồng bào ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, thương mến thương binh. Hưởng ứng và đáp lại tấm lòng của Bác, một hội nghị trù bị đã khai mạc tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gồm một số đại biểu Trung ương, khu và tỉnh. Hội nghị nhất trí lấy ngày 27/7 hàng năm làm ngày thương binh liệt sĩ và tổ chức ngay lần đầu trong năm 1947. (*)
Báo Vệ quốc quân số 11, ra ngày 27/7/1947 đã đăng thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thường trực Ban tổ chức “ngày thương binh toàn quốc”, trong đó Bác giải thích: “Thương binh là người đã hy sinh gia đình. Hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đã chịu ốm yếu, què quặt. Tổ quốc và đồng bào biết ơn, phải giúp đỡ những con người anh dũng ấy”. Cuối thư người vận động đồng bào nhường cơm xẻ áo giúp đỡ thương binh. Người xung phong góp chiếc áo lụa, một tháng lương và tiền ăn một bữa của Người và tất cả các nhân viên của phủ Chủ tịch, tổng cộng là một ngàn một trăm hai bảy đồng (1.127 đồng) để tặng thương binh. (*)
Một năm sau, ngày 27/7/1948 trong một bức thư dài Người xót xa viết: “Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Ngày nay bố mẹ họ mất một người con yêu quý, vợ trẻ trở nên bà goá. Con dại trở nên mồ côi. Trên bàn thờ gia đình thêm một linh bài tử sĩ, tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được và những tử sĩ sẽ không thể tái sinh”. (*)
Là lãnh tụ, hơn ai hết Bác rất thương dân, thương nước, thương các chiến sĩ chiến đấu vì non sông. Tấm lòng của Bác Hồ với thương binh, liệt sỹ như tấm lòng của người ông, người cha đối với những người thân trong gia đình. Chiến tranh đã đi qua, đất nước hưởng được 33 mùa độc lập. Nhưng những hố bom, mãnh đạn và hàng ngàn nấm mồ nằm san sát ở nghĩa trang. Hàng ngày, hàng giờ còn đó những thương binh, dù thương tật hay mất đi cánh tay, đôi chân nhưng vẫn vươn lên trong cuộc sống, đó là những bằng chứng không thể thay đổi, tố cáo tội ác của quân thù.
Sự hy sinh của các thương binh, liệt sĩ làm cho em thơ được ngủ ngon giấc say nồng, được tung tăng cắp sách tới trường; cho những mẹ già không còn mòn mỏi đợi chờ con, cho những cánh đồng nặng trĩu phù sa... Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh là để sống có trách nhiệm hơn với xã hội, để trân trọng và biết ơn sâu sắc các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh đã hiến trọn thân mình cho đất nước ngàn năm nở hoa.
Viên Hồng Tiến
(*) theo: Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, NXB Chính trị Quốc gia – 2007.