Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 67-T8-2010

Chất vấn là một trong các nội dung được Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai quan tâm

Đăng ngày: 14/05/2013
​Hoạt động chất vấn trực tiếp tại các kỳ họp luôn được Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai xác định là một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp. Do đó, trước mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND đều chủ động nắm bắt và tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri thông qua các đợt khảo sát, giám sát của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh; ý kiến từ các tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh, những vấn đề bức xúc, ý kiến cử tri trong các đợt TXCT. 

​      Trên cơ sở đó, Thường trực HĐND lựa chọn những ý kiến, những vấn đề bức xúc nhất phù hợp với nội dung kỳ họp và vấn đề cấp thiết cần phải giải quyết ngay để yêu cầu UBND tỉnh và các đơn vị liên quan chuẩn bị trả lời bằng văn bản tại kỳ họp. 

      Việc chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thường được bố trí trong một buổi, thậm chí có thể hơn, tùy theo mỗi kỳ họp. Quá trình điều hành chất vấn và trả lời chất vấn, Thường trực HĐND tỉnh thường yêu cầu người trả lời chất vấn đi thẳng vào nội dung, gợi mở những vấn đề cần làm rõ để các đại biểu HĐND chất vấn trực tiếp. Sau mỗi nội dung chất vấn, dù đã rõ ràng hoặc còn có những ý kiến khác nhau, Thường trực HĐND đều có kết luận cụ thể, thể hiện rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, yêu cầu thời gian cụ thể để giải quyết hoặc khắc phục. Đối với HĐND tỉnh Đồng Nai, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh đều được truyền hình trực tiếp. Điều này có tác động tốt đối với việc nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử; đặc biệt, các vấn đề mà các cấp chính quyền, các ngành chú trọng giải quyết được cử tri và nhân dân trong tỉnh quan tâm theo dõi. Nhờ đó, chất lượng các kỳ họp, đặc biệt là các phiên chất vấn và trả lời chất vấn được nâng lên rõ rệt; các cấp, ngành đã tập trung giải quyết tốt những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm, bức xúc.

      Tuy nhiên, hoạt động chất vấn tại kỳ họp vẫn tồn tại một số hạn chế: các chất vấn thường sa vào những việc quá cụ thể, chưa bám vào các nội dung chính, vào vấn đề bức xúc; người được trả lời chất vấn đôi khi chưa trả lời thẳng vào câu hỏi, hoặc trả lời dài dòng, chưa rõ trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết cũng như thời gian phải thực hiện theo yêu cầu. Ngoài ra, hoạt động chất vấn mới diễn ra chủ yếu tại các kỳ họp; giữa hai kỳ họp, chất vấn chỉ là của Thường trực và các ban HĐND thông qua các đợt khảo sát, giám sát có văn bản đề nghị các cơ quan liên quan giải quyết vấn đề nảy sinh; một số đại biểu chưa phát huy hết trách nhiệm do còn nể nang, né tránh, ngại va chạm; công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện yêu cầu sau chất vấn chưa được quan tâm đúng mức, do đó có việc chưa được giải quyết kịp thời…

      Để nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn của HĐND, đề nghị Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các đại biểu HĐND, UBND và các cơ quan chuyên môn của UBND cần quan tâm đến một số nội dung như sau:

      - Phải xác định, chất vấn là hình thức giám sát trực tiếp của HĐND, do đó phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, vì mục đích xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; đồng thời chất vấn phải trên cơ sở chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nội dung chất vấn phải thiết thực, đáp ứng yêu cầu cuộc sống và tâm tư nguyện vọng của cử tri, nhằm mục đích giải quyết những mâu thuẫn và tác động tích cực đến quá trình phát triển KT-XH. 

      - Thường trực, các ban và mỗi đại biểu HĐND tăng cường hoạt động khảo sát, giám sát, thông qua các hội nghị, các cuộc tiếp xúc cử tri, các báo cáo… để nắm bắt, cập nhật thông tin… trên cơ sở đó nghiên cứu, chọn lọc vấn đề để chất vấn thiết thực và hiệu quả. Ngoài chất vấn tại kỳ họp, đại biểu cần tích cực chất vấn giữa hai kỳ họp nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh. 

       - Bố trí thời gian hợp lý cho hoạt động chất vấn. Chủ tọa điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn linh hoạt, tạo không khí dân chủ, đồng thời gợi mở vấn đề để đại biểu HĐND chất vấn mang tính phản biện cao và làm rõ hơn về nội dung, sau đó chủ tọa cần kết luận vấn đề đã được chất vấn và trả lời.

      - Cơ quan và người trả lời chất vấn phải bám sát nội dung câu hỏi, thấy rõ trách nhiệm của mình và làm rõ nội dung đại biểu yêu cầu, phương hướng giải quyết vấn đề trong thời gian cụ thể, tránh trả lời chung chung, đổ lỗi cho các nguyên nhân khách quan.

                                                                                Nguyễn Thị Phi