Trước thực trạng giáo dục và đào tạo đang còn nhiều khó khăn bất cập, nhất là chất lượng đào tạo không đồng đều giữa các trường, ngành đã chủ động tìm hướng tháo gỡ. Ngành đã đề ra các cuộc vận động lớn như: Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”; “Phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Các cuộc vận động và phong trào nói trên được phát động đang dần đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa lớn, được đông đảo các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục khắp nơi trong tỉnh hưởng ứng nhiệt liệt. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục cơ bản từng bước được nâng lên. Tình trạng học sinh yếu kém và vi phạm đạo đức giảm. Từ phong trào thi đua, ngành huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong xã hội và ngoài nhà trường tập trung xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả và giáo dục toàn diện cho học sinh, nhất là về đạo đức và nhân cách. Việc đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục trong các cấp học đã đạt kết quả đáng kể. Bằng các nguồn XHH và ngân sách được đầu tư, các cơ sở giáo dục đã tập trung sữa chữa, xây dựng nhà vệ sinh, hiện có 203 nhà vệ sinh được xây dựng mới. Hầu hết các trường học đều có công trình nước sạch, các trường đảm bảo được nước uống hợp vệ sinh cho học sinh. Có 526/783 trường được kiểm tra công nhận đạt chuẩn “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Các địa phương đang khắc phục khó khăn để thực hiện các mục tiêu phổ cập giáo dục THCS đúng độ tuổi. Các vùng khó khăn đã tập trung điều kiện phát triển giáo dục mầm non, tăng nhanh số trẻ mẫu giáo năm tuổi được đến trường. Ðội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên ở cấp học này dần ổn định và từng bước nâng cao chất lượng. Ðáng chú ý, thực hiện Nghị quyết 142/2009/ NQ-HĐND ngày 16/7/2009, ngành giáo dục và đào tạo đã hoàn thành việc chuyển đổi tất cả các trường mầm non, phổ thông, bán công (gồm 02 trường mầm non, 01 trường THCS và 07 trường THPT) sang công lập và có 01/04 trường dân lập chuyển sang tư thục.

Đại biểu HĐND tỉnh phát
biểu về lĩnh vực giáo dục,
đào tạo tại tổ thảo luận
Năm học 2009-2010, ngành giáo dục và đào tạo cũng đã tiếp tục thực hiện chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội, trên cơ sở đó, nâng cao kỹ năng thực hành, đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Ðội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý trung cấp chuyên nghiệp tăng cả về số lượng và trình độ. Bên cạnh đó, giáo dục đại học cũng có những giải pháp đột phá, tạo bước phát triển về quy mô, mạng lưới nhất là chất lượng và hiệu quả đào tạo được nâng lên. Ðáng chú ý năm qua, ngành chủ trương thực hiện đào tạo theo nhu cầu, công bố chuẩn đào tạo và cam kết thực hiện ba công khai tại tất cả các bậc học (công khai về chất lượng đào tạo, điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và thu chi tài chính). Ngoài ra, việc chăm lo, đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, việc củng cố tăng cường cơ sở vật chất trường lớp học, thiết bị giáo dục và chương trình kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ giáo viên cũng đang được triển khai.
Tóm lại, những kết quả đạt được nói trên tạo tiền đề cho giáo dục và đào tạo tỉnh nhà tiếp tục phát triển ở những năm sau. Quản lý nhà nước về giáo dục đã có nhiều tiến bộ, trong đó quản lý chất lượng giáo dục được thực hiện ngày một thực chất hơn. Cơ chế quản lý tài chính giáo dục đã được xác lập, tạo nguồn lực để phát triển. Ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục có chuyển biến mới về chất. Nhiều chỉ tiêu đề ra trong chiến lược phát triển giáo dục 2010-2011 đã được thực hiện, tạo cơ sở cho việc xây dựng và thực hiện chất lượng phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020.
Mặc dù giáo dục và đào tạo tỉnh nhà đã có những bước tiến mới, đã nâng cao dần chất lượng ở mọi bậc học, cấp học nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều trở ngại và khó khăn, thách thức. Ðó là hệ thống quản lý giáo dục còn nhiều bất cập, hạn chế; cơ chế quản lý tài chính còn bất hợp lý; quy hoạch, quản lý cán bộ chưa hiệu quả; công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý theo yêu cầu mới chậm được triển khai; hệ thống quản lý chất lượng giáo dục mới hình thành, chưa phát huy vai trò trong thực tế; văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về giáo dục-đào tạo còn thiếu đồng bộ, chậm tiến độ; kết quả về đổi mới phương pháp dạy và học còn thấp, vẫn phổ biến tình trạng dạy theo cách "đọc chép". Ngành đã có chỉ đạo bước đầu nhưng vẫn chưa thống nhất được mô hình, phương pháp và tài liệu phục vụ đổi mới phương pháp dạy và học. Tình trạng thiếu, thừa giáo viên ở các cấp học kéo dài nhiều năm, nhưng chưa giải quyết triệt để. Phương pháp và chất lượng đào tạo giáo viên chưa theo kịp yêu cầu đổi mới của giáo dục. Cơ sở vật chất kỹ thuật nhà trường ở nhiều địa phương vẫn còn thiếu thốn và lạc hậu như thiếu đất, trường, lớp; trường học chưa bảo đảm vệ sinh môi trường, thiếu nhà vệ sinh, nước sạch; hệ thống thư viện còn nghèo nàn; phòng học bộ môn còn hạn chế về số lượng và chất lượng; thiết bị dạy học thiếu, chưa đồng bộ và hiệu quả sử dụng kém; chưa đáp ứng được yêu cầu sử dụng thiết bị dạy học của giáo viên để phục vụ cho giảng dạy và đổi mới phương pháp dạy học. Sử dụng công nghệ thông tin trong dạy và học còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa.
Ðể năm học mang chủ đề “Ðổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục” đạt kết quả cao, thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, nhất là đề ra được những giải pháp phù hợp thực tiễn và mang tính đột phá. Theo đó, trên cơ sở kết quả đã thu được, cần tiếp tục thực hiện tốt ba cuộc vận động và phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực trong toàn ngành nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục đạo đức, nhân cách và kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; triển khai và áp dụng mạnh mẽ chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học; chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, chuẩn giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên và chuẩn nghiệp vụ giáo viên trung cấp chuyên nghiệp. Năm học này và những năm học tiếp theo, thực hiện triệt để việc công khai đối với các cơ sở giáo dục của cả hệ thống giáo dục quốc dân đồng thời đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo, nhất là việc điều chỉnh từng bước cơ cấu chi ngân sách Nhà nước cho các cấp học theo hướng ưu tiên để thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ, hỗ trợ phổ cập mẫu giáo năm tuổi; bảo đảm chi cho giáo dục ở các xã đặc biệt khó khăn, v.v. Ngành cũng cần tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục như duy trì kết quả về nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và chống mù chữ; triển khai một cách chủ động, sáng tạo sự phối hợp giữa ngành với các tổ chức xã hội, nhằm quan tâm việc học tập của các em. Phát động phong trào thi đua trong việc đổi mới phương pháp dạy học, chấm dứt tình trạng dạy học chủ yếu qua "đọc - chép". Giải pháp không kém phần quan trọng là cần đẩy mạnh tiến độ triển khai Ðề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên. Tăng cường thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 30/2004/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện THPT. Giai đoạn tới cũng là thời điểm ngành giáo dục và đào tạo cần tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên sớm khắc phục tình trạng thiếu và mất cân đối giáo viên tại các địa phương, nhất là các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, …
Kim Ngọc