Ngày 12 tháng 3 năm 2009, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về lãnh đạo thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2009 về phê duyệt kế hoạch thực hiện Nghị quyết 26/2008/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2008 của Quốc hội. Đây chính là những văn bản pháp lý cho việc triển khai thí điểm không tổ chức HĐND tại 67 huyện, 32 quận, 483 phường trong phạm vi 10 tỉnh, thành phố và đến nay đã được tiến hành hơn một năm.
Thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường cũng đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá và nhìn nhận về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai. Có những ý kiến cho rằng thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường bước đầu đã thực hiện tinh gọn bộ máy, giảm cấp trung gian, khắc phục trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy hành chính Nhà nước và phát huy dân chủ trực tiếp cơ sở. Vai trò của người đứng đầu bộ máy Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường rõ nét hơn thông qua việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên bổ nhiệm thành viên Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp đã gia tăng tác dụng thẩm quyền của người thực hiện việc bổ nhiệm và đề cao trách nhiệm của người được bổ nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, hiệu lực quản lý cán bộ, công chức của cơ quan Nhà nước cấp trên đối với cán bộ được bổ nhiệm cũng được tăng cường.
Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được nêu trên, cũng còn một số hạn chế, vướng mắc, như: số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chưa được bổ sung tương xứng với nhiệm vụ mới; quy trình lập dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm đối với các nơi thí điểm khó thực hiện; cần bổ sung chức năng giám sát của HĐND cấp tỉnh đối với Ủy ban nhân dân quận, huyện và mối quan hệ giữa Ủy ban nhân dân quận, huyện đối với HĐND, tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh và những vướng mắc trong thực hiện trình tự bổ nhiệm các chức danh UBND.
Đồng Nai không thuộc 10 địa phương tổ chức thí điểm nhưng từ hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong các năm qua và các nhiệm kỳ qua đặt ra những vấn đề cần suy nghĩ: Nếu không tổ chức HĐND huyện, quận, phường thì số người đại diện cho dân giảm đi mà người đại diện giảm thì việc phát huy quyền dân chủ của nhân dân bị hạn chế. Như ở trên đã nêu, có ý kiến cho rằng bộ máy sẽ giảm bớt sự cồng kềnh, tốn kém tuy nhiên cải tiến bộ máy tổ chức không đơn thuần là cắt bỏ một số bộ phận mà cải tiến bộ máy có khi phải tăng thêm để đáp ứng yêu cầu của chất lượng, hiệu quả; cho dù duy trì HĐND các cấp là duy trì biên chế và chi phí quản lý hành chính nhưng mang lại hiệu quả cho bộ máy chính quyền của nhân dân, vì nhân dân thì cần duy trì.
Một vấn đề đặt ra là có hay không tình trạng trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan dân cử như một số ý kiến đánh giá bởi lẽ nếu xác định được có sự trùng lắp tức là có cơ quan dôi dư ra trong bộ máy. Vấn đề này có thể phân tích như sau: Chức năng nhiệm vụ của HĐND mỗi cấp đã được Luật Tổ chức HĐND&UBND và Quy chế hoạt động của HĐND quy định rất cụ thể và không có sự trùng lắp; đại biểu HĐND mỗi cấp có phạm vi đại diện của mình. Giả sử chức năng đại diện cho cử tri và nhân dân chỉ tập trung vào đại biểu vài cấp (đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh) thì sẽ xảy ra tình trạng có những vấn đề đại biểu không nắm bắt được hoặc đại biểu không xử lý hết hoặc rất khó xử lý. Đơn cử như đại biểu HĐND tỉnh nếu như phải đeo bám việc xử lý các vấn đề kiến nghị của cử tri đối với các cơ quan chuyên môn cấp huyện sẽ rất khó khăn cả về việc bố trí thời gian, đôn đốc, nắm bắt tình hình diễn biến để có kiến nghị chính xác. Chính vì vậy nếu cho rằng có sự trùng lắp về chức năng nhiệm vụ giữa HĐND các cấp là chưa chính xác.
Các cơ quan dân cử từ Quốc hội đến HĐND ba cấp hiện nay đang hoạt động có thể hình dung như một guồng máy rất đồng bộ để thực hiện vai trò đại diện; đại diện trong thể hiện ý chí, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của nhân dân và đại điện trong việc quyết định các vấn đề của địa phương, của Quốc gia. Với một guồng máy đang vận hành đồng bộ như vậy (từ năm 1962 đến nay theo Luật Tổ chức HĐND và UBHC các cấp) thì việc cắt bỏ một vài bộ phận sẽ đặt ra vấn đề: Liệu các bộ phận còn lại trong guồng máy đó có khả năng thay thế? Có hay không việc phát sinh tình trạng làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của cả guồng máy?.
Đã có nhiều phương án đưa ra nhằm củng cố, bổ sung năng lực hoạt động cho HĐND cấp tỉnh để gánh vác thêm chức năng nhiệm vụ khi không còn tổ chức HĐND huyện, quận, phường nhưng việc điều chỉnh bổ sung như thế nào là vấn đề rất khó. Báo Đại biểu nhân dân, tiếng nói của Quốc hội, diễn đàn của đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân và cử tri đã đăng tải nhiều ý kiến đề xuất như: phải tăng cường số đại biểu chuyên trách tại Thường trực, các ban và chuyên viên văn phòng của HĐND tỉnh; thành lập văn phòng tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện ... tuy nhiên đó mới chỉ là những ý tưởng cần có sự phân tích, đánh giá tránh tình trạng biên chế và chí phí hoạt động tốn kém hơn so với khi chưa bỏ HĐND cấp huyện, quận, phường.
Tại tỉnh Đồng Nai hiện nay đang thí điểm hai mô hình: Ban HĐND cấp xã và giám sát của tổ đại biểu HĐND tỉnh. Việc thí điểm này không ngoài mục tiêu là tìm ra một phương thức hoạt động mới nhằm nâng cao năng lực hoạt động của HĐND các cấp đáp ứng với vai trò, nhiệm vụ và sự tin tưởng giao phó của cử tri và đến nay đã ghi nhận được những kết quả và thành công tốt và thiết nghĩ sẽ cung cấp thêm những thông tin để giúp cho việc phân tích, đánh giá sâu về tính hiệu quả, sự cần thiết của thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, là điều kiện để chúng ta có cách nhìn cụ thể, thực tiễn hơn về các vấn đề liên quan đến mô hình tổ chức HĐND các cấp.
Đến tháng 5 năm 2011 sẽ diễn ra bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp; thời gian cho việc sắp xếp lại bộ máy theo mô hình thí điểm không tổ chức HĐND huyện không còn nhiều do vậy việc so sánh để xác định tính hiệu quả của mô hình bộ máy mới so với mô hình bộ máy đã tồn tại gần một nửa thế kỷ trước đó (từ năm 1962) cần phải có bước đi thận trọng, chắc chắn với những kết quả kiểm chứng rõ ràng, thuyết phục để khẳng định việc có hay không việc duy trì HĐND huyện, quận, phường trong nhiệm kỳ sau.
Nguyễn Thị Oanh