Sau Hội nghị, Thường trực HĐND tỉnh đã báo cáo kết quả với Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ban công tác đại biểu thuộc UBTVQH, Tỉnh ủy Đồng Nai và các cơ quan có trách nhiệm khác, dưới đây là những vấn đề chính của báo cáo và kiến nghị.
Việc Đồng Nai tổ chức hội nghị tổng kết hai mô hình thí điểm vào cuối quý II năm 2010 vừa qua là thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tại Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khu vực Miền Đông Nam bộ. Đồng thời, việc tổng kết cũng là nhằm đánh giá kết quả các mô hình thí điểm liên quan đến tổ chức và hoạt động của HĐND do Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai triển khai trong 4 năm qua. Có thể nói, Hội nghị tổng kết đã đúc kết ra được một tiếng nói chung, có sức thuyết phục về hiệu quả hai mô hình thí điểm mà Đồng Nai đã triển khai thực hiện trong thời gian qua. Ngay từ thành phần tham dự Hội nghị cũng đã phần nào nói lên sức hút của các mô hình thí điểm của Đồng Nai thể hiện qua sự hiện diện của nhiều đồng chí Lãnh đạo các ngành Trung ương, địa phương: Văn phòng Trung ương Đảng (Vụ địa phương II); Ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH; Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ (phía Nam); Viện Nghiên cứu lập pháp; Vụ Công tác đại biểu, Vụ Tổng hợp; Báo Đại biểu nhân dân; đại biểu các tỉnh, thành phố: Vĩnh Phúc, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bến Tre, Đồng Tháp, Hà Nội và các đại biểu trong tỉnh.
Chủ tọa Hội nghị gồm có đồng chí Trần Đình Đàn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; đồng chí Trần Đình Thành, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai; đồng chí Nguyễn Đăng Tiến, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH; đồng chí Lê Hồng Phương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai; đồng chí Huỳnh Chí Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Đinh Quốc Thái, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã điều hành và làm nên thành công của Hội nghị nói riêng và các mô hình thí điểm nói chung.
Tại hội nghị, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai đã trình bày các báo cáo tổng kết, đánh giá về hai mô hình thí điểm. Các đại biểu dự hội nghị đã trình bày và phát biểu hơn 20 tham luận, ý kiến thể hiện những đánh giá, nhận xét dưới nhiều góc độ về việc thí điểm các mô hình, về vấn đề nâng cao năng lực và đảm bảo các điều kiện cần thiết để HĐND các cấp hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, đưa ra những kiến nghị quan trọng. Hội nghị cũng đã được nghe ý kiến đánh giá, chỉ đạo của đồng chí Trần Đình Đàn đối với hai mô hình thí điểm; ghi nhận các ý kiến đóng góp của đại biểu các ngành Trung ương, các địa phương, các đại biểu tham dự qua đó Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai đã tổng hợp báo cáo kết quả và kiến nghị với các cơ quan có trách nhiệm về những vấn đề có liên quan.
Về cơ sở của việc triển khai hai mô hình thí điểm, hội nghị nhất trí đánh giá việc triển khai hai mô hình thí điểm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, có mục tiêu rõ ràng; quy trình triển khai khá bài bản, phù hợp với quá trình nhận thức, đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động của HĐND nhất là cấp cơ sở; có được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị và quyết tâm hành động từ các tổ chức, cá nhân trực tiếp triển khai thí điểm, đã tạo thuận lợi cho việc triển khai đạt kết quả trong thời gian qua.
Sau quá trình vừa làm, vừa sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm và bổ sung hoàn chỉnh, hoạt động của các Ban HĐND cấp xã và các tổ đại biểu HĐND tỉnh Đồng Nai đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, thể hiện kết quả khác biệt cơ bản so với trước khi triển khai thí điểm. Thí điểm thành lập Ban HĐND cấp xã ở Đồng Nai trong thời gian qua vẫn đảm bảo sự phù hợp với xu thế cải cách hành chính, cụ thể: Biên chế cán bộ cấp xã không tăng do không bố trí cán bộ chuyên trách của Ban HĐND xã; kinh phí hoạt động của HĐND tăng không đáng kể, nhưng vẫn đảm bảo hoạt động khảo sát, giám sát của HĐND được tăng cường hơn so với trước đây; chất lượng hoạt động của HĐND cấp xã và chất lượng hoạt động của các thành viên của Ban HĐND được nâng lên rõ rệt về kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực hoạt động của Chính quyền cơ sở, tác động tích cực đến công tác quản lý, điều hành nhà nước và ổn định, phát triển trên địa bàn; tính đại diện của HĐND cấp xã ngày càng thực chất, hiệu quả hơn.
Hoạt động giám sát của Tổ Đại biểu HĐND tuy chưa được quy định cụ thể và chưa có tiền lệ, nhưng đã được tiến hành với trình tự chặt chẽ, linh hoạt và đạt hiệu quả cao so với trước khi chưa thí điểm. Kết quả thí điểm, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đã thể hiện được vai trò là “cánh tay nối dài” của HĐND tỉnh, giúp cho HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh mở rộng phạm vi, hoạt động giám sát, phát huy tính chủ động trong hoạt động của mình.
Từ việc phản biện, phân tích, đánh giá kết quả của các mô hình thí điểm, các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết đã nhất trí kiến nghị với Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ban công tác đại biểu thuộc UBTVQH, bộ Nội vụ, Tỉnh ủy Đồng Nai về sáu nhóm vấn đề lớn trong quá trình nghiên cứu xem xét, bổ sung sửa đổi Luật Tổ chức HĐND&UBND theo hướng bổ sung một số quy định như sau: Quy định HĐND cấp xã có Thường trực HĐND gồm 3 thành viên như Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện hiện nay. Quy định HĐND cấp xã có 02 Ban, đó là Ban Kinh tế Xã hội và Ban Pháp chế (ở nơi có nhiều đồng bào dân tộc thì thành lập thêm Ban Dân tộc) để có tổ chức hoạt động ổn định, thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan quyền lực nhà nước ở cơ sở, đảm bảo hoạt động của HĐND đạt hiệu lực, hiệu quả cao.
Riêng đối với tổ đại biểu, Hội nghị kiến nghị cần có sự xác định rõ vai trò, tính chất và nhiệm vụ cụ thể tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh theo hướng tăng thẩm quyền trong một số hoạt động, nhất là hoạt động giám sát để tăng cường vị thế của đại biểu và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Tổ đại biểu, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho đại biểu có những đóng góp vào công tác quản lý nhà nước tại địa bàn ứng cử.
Đối với nhân sự tham gia hoạt động HĐND, hội nghị cũng kiến nghị phải đảm bảo sự hài hòa giữa cơ cấu và chất lượng đại biểu HĐND trong nhiệm kỳ tới nhằm nâng cao chất lượng hoạt động đại biểu HĐND đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong tổ chức và hoạt động HĐND các cấp; hướng dẫn cụ thể về việc xây dựng tiêu chuẩn, cơ cấu đại biểu HĐND trong cuộc bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ tới; đảm bảo chất lượng của đại biểu HĐND.
Để đảm bảo tính pháp lý hoạt động giám sát của HĐND ngày càng hiệu quả, hiệu lực, đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xây dựng Luật hoạt động Giám sát của HĐND và kiến nghị sau cùng là khẩn trương có kế hoạch tổng thể về sửa đổi Hiến pháp và các Luật tổ chức bộ máy nhà nước, trong đó có Luật Tổ chức HĐND và UBND trước khi tiến hành cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2011 – 2016.
Hà- Oanh.