Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 73-T4-2011

Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai, những dấu ấn của một nhiệm kỳ

Đăng ngày: 16/05/2013
​Cùng với những đổi mới ở Quốc hội, trong nhiệm kỳ qua Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai được các ngành Trung ương, các địa phương đánh giá là một địa phương đi tiên phong trong việc đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, là một trong những điển hình thực hiện tốt và vận dụng sáng tạo Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân và ghi lại nhiều dấu ấn trong nhiệm kỳ hoạt động của mình.

      ​​Việc làm có tính chất đổi mới đầu tiên của nhiệm kỳ HĐND tạo hành lang pháp lý và tăng tính chủ động để HĐND và Thường trực HĐND triển khai các hoạt động đột phá khác, đó là việc ban hành quy chế hoạt động riêng trên cơ sở tiếp thu những quy định của Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 kèm theo Quy chế hoạt động của HĐND và vận dụng vào tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ngoài những nội dung như quy định của Quy chế do UBTVQH ban hành Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh còn có những điểm quy định chi tiết, cụ thể hơn như: tăng về số lượng đại biểu chuyên trách; trách nhiệm của đại biểu tham gia giám sát với các đoàn HĐND cấp tỉnh, tham dự các kỳ họp HĐND cấp huyện thuộc địa bàn ứng cử; trách nhiệm của các đại biểu là Thành viên các Ban HĐND và nhiều nội dung được bổ sung và cụ thể hóa khác.

      ​Kết thúc nhiệm kỳ 2004-2011, HĐND tỉnh Đồng Nai gửi lại cho các nhiệm kỳ sau hai mô hình thí điểm. Mô hình thứ nhất là Ban HĐND cấp xã được triển khai với thời gian tương đối dài (hơn 4 năm), phạm vi khá rộng (trên 40% số xã của toàn tỉnh) đã giải quyết được những vấn đề đặt ra cả về lý luận và thực tiễn trong tổ chức và hoạt động của HĐND cấp xã. Chuyển biến rõ nhất của HĐND cấp xã sau thí điểm thể hiện qua hai hình thức giám sát của HĐND đó là tổ chức đoàn giám sát và thẩm tra. Đối với giám sát, về số lượng đều tăng lên đáng kể so với trước khi thí điểm thành lập Ban. Nếu như trước khi thí điểm thành lập ban HĐND thì Thường trực HĐND mỗi xã tổ chức giám sát, khảo trung bình từ 3 đến 4 cuộc/năm nhưng sau đó thì số lượng trung bình đã tăng lên từ 8 đến 9 cuộc/năm; đặc biệt một số Ban tổ chức giám sát từ 15 đến 20 cuộc là một bước tiến đáng kể thể hiện vai trò của các Ban trong công tác giúp việc cho HĐND cấp xã nhằm nắm bắt, kiến nghị kịp thời những vấn đề liên quan đến thực thi pháp luật và những vấn đề mới phát sinh trên địa bàn. Nội dung giám sát bao trùm lên tất cả các vấn đề của địa phương như: Thực hiện Nghị quyết của HĐND, thi hành pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo, văn hóa, giáo dục, kinh tế … trong đó các Ban đã tổ chức một số cuộc giám sát theo vụ việc, thời gian, thời điểm: Giám sát công tác tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ; chuẩn bị khai giảng năm học; công tác chuẩn bị bầu cử… Giám sát theo nguồn thông tin phản ánh, kiến nghị của cử tri mà tập trung chủ yếu trong lĩnh vực môi trường, xây dựng cơ sở hạ tầng ở cấp xã để kịp thời phát hiện, kiến nghị chấn chỉnh những việc chưa hợp lý từ đó giúp cho UBND cấp xã và các ngành trong việc thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và thông tin đến cử tri. 

      Cũng với việc thí điểm thành lập Ban HĐND cấp xã, hoạt động thẩm tra phục vụ kỳ họp được chuyển giao cho các Ban đã phát huy được trí tuệ của tập thể trong việc nghiên cứu các báo cáo, tờ trình, đề án, đảm bảo tính phù hợp pháp lý, tính khả thi, tính chính xác của các văn bản trước khi trình HĐND tại kỳ họp. Cách làm này đã giúp cho HĐND cấp xã ban hành được các Nghị quyết có chất lượng, ít sai sót, phù hợp với thực tiễn ở địa phương đồng thời gợi mở cho đại biểu HĐND cấp xã đưa ra những vấn đề để chất vấn và trả lời chất vấn trong và giữa hai kỳ họp, giúp cho đại biểu HĐND xã khắc phục được tình trạng nể nang, đùn đẩy, né tránh nhất là mối quan hệ làm việc ở cấp xã, phường, thị trấn có liên quan nhiều đến quan hệ thân tộc dòng họ, cộng đồng xóm ấp.

      Thông qua giám sát, thẩm tra và kiến nghị của Ban HĐND cấp xã đã tác động tích cực đến việc thực hiện trách nhiệm của các chức danh chủ chốt ở xã như Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị tại cơ sở góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội, giải quyết những bức xúc, khiếu kiện tại cơ sở, ổn định tình hình an ninh chính trị tại địa bàn. Mô hình này được Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao, các phương tiện thông tin quan tâm có nhiều bài phản ánh, phân tích về sự cần thiết thành lập Ban HĐND cấp xã. Phát huy những hiệu quả từ mô hình này, trong nhiệm kỳ 2011-2016 sắp tới, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai cũng đã có văn bản đề nghị Thường trực Tỉnh ủy chấp thuận về mặt chủ trương để chuẩn bị công tác nhân sự cho HĐND cấp xã theo hướng sẽ thành lập Ban này tại 100% số xã trong toàn tỉnh.

      Mô hình thí điểm thứ hai là “Nâng cao chất lượng hoạt động và tổ chức giám sát của tổ đại biểu HĐND tỉnh”  mà trọng tâm là việc thí điểm giám sát của tổ đại biểu. Theo quy định của Luật thì đại biểu chính là những người thực hiện 5 quyền giám sát của HĐND (xem xét báo cáo; xem xét việc trả lời chất vấn; xem xét văn bản quy phạm pháp luật; thành lập đoàn giám sát và bỏ phiếu tín nhiệm). Như vậy, bản thân mỗi đại biểu đều có quyền giám sát theo quy định của Luật thì một tập hợp các đại biểu trong một khu vực ứng cử cũng sẽ có quyền tổ chức đoàn giám sát, suy luận này đã được Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai rút ra có tính logic và việc thực hiện là không trái với quy định của pháp luật. Trong năm đầu (năm 2008), có 03/11 tổ đại biểu triển khai thí điểm; năm tiếp theo nâng lên 05/11 tổ. Kết quả thí điểm cho thấy: Từ giám sát của tổ đại biểu đã tăng thêm động lực cho đại biểu trong việc nghiên cứu, nắm bắt tình hình địa bàn ứng cử và thể hiện vai trò của mình từ đó tác động, thúc đẩy nâng cao chất lượng hoạt động toàn diện của tổ. Từ việc nâng cao chất lượng hoạt động của tổ lại tác động tích cực ngược trở lại giúp cho đại biểu HĐND cho tổ xác định những nội dung cần tập trung giám sát, cách thức tiến hành giám sát và đưa ra kết luận, kiến nghị.

      Có thể nói với việc thí điểm hai mô hình trên của Đồng Nai cùng với việc báo cáo kết quả đầy đủ, phân tích đánh giá sâu, kiến nghị xác thực và thuyết phục, Đồng Nai đã góp thêm một tiếng nói, góp thêm một cơ sở thực tiễn với Trung ương trong việc xem xét, quyết định đối với chủ trương không tổ chức HĐND quận, huyện, phường nhiệm kỳ tới.

      Tổ chức các lớp bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm hoạt động của đại biểu HĐND các cấp cũng là một dấu ấn không chỉ đối với đại biểu HĐND ba cấp trên địa bàn tỉnh mà còn đối với cả nhân dân Đồng Nai. Thường trực HĐND tỉnh đã phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử của Ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH và các nhà nghiên cứu để xây dựng nội dung, chương trình các lớp bỗi dưỡng, trao đổi. Điểm mới thể hiện sự mạnh dạn, đột phá của Thường trực HĐND tỉnh là quá trình tổ chức các Hội nghị này được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài phát thanh truyền hình tỉnh với thời lượng từ 1 đến 2 ngày cho mỗi lớp, thiết lập đường dây để thu thập thông tin, ý kiến phản ánh để trao đổi. Với cách này không những đại biểu HĐND ba cấp được tập huấn mà cả cử tri, nhân dân Đồng Nai và các tỉnh trong khu vực, những ai quan tâm đều có thể tham dự, trao đổi.  

      Hội đồng nhân dân điện tử và Văn phòng điện tử chính là những điểm mới táo bạo nhất trong nhiệm kỳ. Nếu như bốn nội dung có tính dấu ấn nêu trên thuộc về nội dung hoạt động thì nội dung thứ năm này là một cách đổi mới về phương thức hoạt động để đạt đến hiệu quả cao nhất. Từ cuối năm 2007, mô hình HĐND điện tử và Văn phòng điện tử ra đời và nhanh chóng ổn định với phương châm 3 giảm: Giảm giấy tờ; giảm thời gian gửi, nhận thông tin (nhưng vẫn bảo mật); giảm chi phí hoạt động nhưng đạt đến 3 tăng: Tăng thông tin về hoạt động của HĐND; tăng thông tin về tình hình kinh tế xã hội của tỉnh và tăng tính chủ động cho đại biểu vì đại biểu có thể khai thác thông tin tại bất cứ nơi nào đại biểu đến. 71/71 đại biểu của HĐND tỉnh Đồng Nai đều được trang bị máy tính xách tay, kính phí được trích và trả dần từ tiền sinh hoạt phí của đại biểu; mỗi đại biểu được cung cấp một hộp thư công vụ có tính bảo mật cao để gửi, nhận thông tin. Với cách làm này, hàng ngày đại biểu có thể nhận một khối lượng lớn thông tin gửi đến hộp thư công vụ của mình từ đó nắm rõ: Hoạt động của HĐND, Thường trực, các Ban, của đại biểu HĐND tỉnh cũng như HĐND cấp huyện, cấp xã mà mình ứng cử hiện tại như thế nào? tình hình chung của tỉnh, của các sở, ngành trong tỉnh có những vấn đề gì? Ý kiến cử tri gửi gắm, đơn thư của công dân đã được xem xét, trả lời đến đâu? Hiện tại có những văn bản quy phạm pháp luật mới nào đã được ban hành? Có thêm thông tin là đại biểu có thêm những tư liệu quý phục vụ cho hoạt động đại biểu của mình đặc biệt là trong việc giải thích, trả lời cử tri và quyết định tại kỳ họp.    

      Cùng với việc triển khai các hoạt động có tính đổi mới như trên, HĐND tỉnh Đồng Nai cũng đã tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều Hội nghị, Hội thảo về nâng cao chất lượng hoạt động HĐND, về thí điểm Ban HĐND cấp xã, giám sát của tổ đại biểu HĐND tỉnh, giám sát của HĐND tỉnh trong lĩnh vực đất đai với sự tham dự của các ngành, các địa phương, các nhà nghiên cứu và đều đảm bảo chất lượng, được đánh giá cao. 

      Đánh giá về tác dụng của năm hoạt động đổi mới chính nêu trên, suy cho cùng vẫn là hiệu quả của việc thực hiện hai chức năng chính của HĐND đó là hoạt động giám sát và quyết định của HĐND tỉnh mang lại cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong nhiệm kỳ. Những con số tóm tắt về việc thực hiện hai chức năng chính nêu trên có thể nói đầy đủ về về tính hiệu quả đó với 205 Nghị quyết đã được ban hành và trên 700 cuộc giám sát trên các lĩnh vực trong đó có nhiều cuộc giám sát chuyên đề mang đến những tác động không nhỏ đối với việc triển khai và thực hiện những chủ trương lớn của cả nước.

      Với tất cả những kết quả đã đạt được, với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng, cùng với hoạt động của các cơ quan dân cử trong cả nước nhiệm kỳ 2004-2011, HĐND tỉnh Đồng Nai đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng mỗi người đại biểu HĐND tỉnh nói riêng, với cử tri, nhân dân trong tỉnh và với các địa phương trong cả nước nói chung.

Nguyễn Thị Oanh