Hội thảo đã nghe 7 báo cáo tham luận của Thường trực HĐND , UBND xã và của Phòng Tài chính kế hoạch. Qua gợi ý của Chủ tọa, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề ngân sách xã. Đa số ý kiến đều khẳng định nhờ có Luật ngân sách ( sửa đổi), nhất là từ khi có Nghị định số 73/2003/CP của Chính phủ và Thông tư số 60/2003/TTBTC ngày 26/3/2003 của Bộ Tài chính, công tác quản lý ngân sách cấp xã đã từng bước đi vào nề nếp. Công tác thu ngân sách xã đều được các xã quan tâm thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Đối với ngân sách xã, việc xây dựng dự toán, thông qua và chấp hành dự toán có những chuyển biến nhất định góp phần đảm bảo cho hoạt động của địa phương. Công tác giám sát của Thường trực HĐND các xã thực hiện tương đối tốt.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên thì việc xây dựng, thông qua và chấp hành dự toán ngân sách xã thời gian qua còn bộc lộ nhiều hạn chế thể hiện trên một số vấn đề cụ thể như: việc xây dựng dự toán chưa căn cứ vào khả năng của địa phương dẫn đến nhiều khỏan chi phát sinh ngoài dự toán gây lúng túng cho việc điều hành ngân sách; một số khoản thu, chi còn chưa được thể hiện vào dự toán đầu năm; việc phân định mục lục thu chi chưa rõ ràng; sự tham gia của Thường trực HĐND vào quá trình lập dự toán chưa rõ nét; việc thảo luận và quyết định ngân sách của HĐND xã còn mang tính hình thức, thủ tục; đội ngũ cán bộ làm công tác tài chính còn thiếu và yếu.
Hội thảo đã giúp cho Thường trực HĐND, UBND các xã xác định rõ hơn vai trò vị trí của ngân sách xã và chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức trong quá trình xây dựng, điều hành ngân sách. Nhiều ý kiến thống nhất đề nghị việc Thường trực HĐND xã cần được tham gia ngay từ đầu và trong suốt quá trình lập dự toán, đồng thời tăng cường công tác giám sát việc điều hành ngân sách giúp cho việc điều hành thuận lợi và đúng quy định.
Trần Thị Kim Đoan