Xã hội ngày càng phát triển, tiến tới công bằng dân chủ, vì vậy mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong gia đình cũng khác xưa rất nhiều. Ngày xưa con cái hầu như phụ thuộc vào cha mẹ, có bổn phận và trách nhiệm phải nghe lời cha mẹ, như thế mới là người con có hiếu. Quan hệ giữa cha mẹ và con cái hầu như không có sự bình đẳng, con cái ít khi được nói lên tiếng nói của cá nhân mình, con làm trái ý cha mẹ thường bị những hình phạt như bị từ bỏ, bị đuổi ra khỏi nhà… Giờ đây mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái đã có phần thoáng hơn, nhiều gia đình tạo điều kiện cho con cái được quyền tham gia bàn bạc mọi công việc có liên quan đến gia đình. Người con có quyền đóng góp tiếng nói riêng của mình cùng các thành viên trong gia đình, có cơ hội được thể hiện năng lực làm tiền đề cho việc tự quyết định trong cuộc sống riêng sau này.
Nói như vậy không có nghĩa dân chủ trong gia đình không có những hạn chế. Thực hiện dân chủ không phù hợp với môi trường sống của gia đình, vượt khỏi đạo lý và truyền thống dân tộc sẽ tạo ra những trở ngại trong việc giáo dục con cái và làm mất đi không khí ấm cúng, chia sẻ của gia đình. Càng ngày, càng có nhiều bậc phụ huynh than phiền rằng con cái không chịu nghe lời cha mẹ mặc dù họ đáp ứng mọi nhu cầu khi con cái cần thiết, tạo cho con một khoảng không gian riêng, không tham gia vào việc riêng của con…Điều này vô hình chung tạo thói quen cho những người con không chấp nhận sự tham gia của cha mẹ vào khoảng trời riêng đó. Quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng có xu hướng độc lập, phổ biến ở những nơi đô thị. Ở đó con cái khi về đến nhà thì vào ngay phòng riêng của mình, nghe nhạc hoặc ngồi trên máy vi tính hàng giờ đồng hồ, chỉ những lúc ăn cơm, sinh hoạt chung cha mẹ mới nhìn thấy được con. Có gia đình, do tính chất công việc của từng thành viên, mấy ngày cha mẹ con cái mới thấy được mặt nhau, cũng chính vì thế mà thời gian cha mẹ ngồi bên con cái cùng nói chuyện, cùng chia sẻ những công việc gia đình ngày càng bị thu ngắn lại, có những người con còn không muốn nghe lời khuyên bảo của cha mẹ mình.
Tạo ra thế giới riêng cho con là tốt nhưng phải có sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái. Gia đình là tổ ấm, không đơn thuần là nơi các thành viên về trú ngụ sau những giờ làm việc. Thực hiện dân chủ trong gia đình tức là làm sao cho cha mẹ và con cái tôn trọng ý kiến lẫn nhau đồng thời tạo ra sự chia sẻ, gắn bó, yêu thương và trách nhiệm.
Ngày xưa Ông, Bà ta thường nói “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” nhưng trong cuộc sống gia đình hiện đại nhiều bậc cha mẹ phải than thở rằng “con đặt đâu cha mẹ ngồi đó”. Thực hiện dân chủ trong gia đình hiện là việc làm cần thiết, tuy nhiên sự cần phải giữ vững truyền thống của gia đình, quan hệ cha con đúng mực, yêu thương tôn trọng lẫn nhau mới đáng quí.
Tổ Chuyên viên
Ban chỉ đạo QCDC tỉnh