Tại kỳ họp thứ 21 HĐND tỉnh khóa VII vừa qua, đại biểu Ngô Ngọc Thanh đã đề nghị ngành y tế cho biết về những giải pháp mà ngành y tế đã và đang thực hiện để củng cố cơ sở hạ tầng, tăng cường nguồn nhân lực y tế để đáp ứng công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Kết quả cho thấy, cuối giai đoạn 2006-2010 đạt tỉ lệ 5,1 bác sỹ và 19 giường bệnh/vạn dân. Tuy nhiên, theo quy hoạch tổng thể phát triển ngành y tế tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2010 và tầm nhìn đến năm 2010, thì vào năm 2010 phải đạt 7 bác sỹ và 22,88 giường bệnh/vạn dân.
Ngay từ khi mới bước vào thực hiện Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ VIII, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đồng Nai 5 năm 2006-2010 trong điều kiện hệ thống y tế của tỉnh còn rất nhiều hạn chế, nhiều chỉ số y tế cơ bản như số cán bộ y tế, số bác sỹ, số giường bệnh trên 1 vạn dân, tỷ lệ xã, phường có bác sỹ...đều thấp hơn so với bình quân chung của cả nước, cơ sở hạ tầng, thiết bị và chất lượng khám chữa bệnh của ngành y tế Đồng Nai phát triển không tương xứng với một tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp và phát triển kinh tế nhanh như Đồng Nai. Năm năm qua, với quyết tâm của toàn ngành y tế đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp tích cực và toàn diện nhằm phát triển hệ thống y tế; trong đó có ba giải pháp quan trọng là đào tạo và thu hút nguồn nhân lực y tế, đầu tư cơ sở hạ tầng và thiết bị y tế, đẩy mạnh phát triển xã hội hóa y tế.
Tích cực triển khai công tác đào tạo cán bộ y tế, đa dạng hóa các loại hình đào tạo như: Mở rộng đào tạo bác sỹ hệ chuyên tu cho y tế cơ sở, đào tạo cử tuyển theo địa chỉ cho vùng miền núi và vùng đồng bào dân tộc; đào tạo bác sỹ chính quy theo địa chỉ; tăng cường liên kết với hầu hết các trường Đại học y dược trong cả nước đào tạo hợp đồng theo địa chỉ đối với cả đại học và sau đại học. Kết quả trong năm năm, ngànhy tế đã gửi đào tạo hệ đại học và sau đại học gần 700 lượt cán bộ y tế gồm 188 bác sỹ hệ 4 năm, 118 bác sỹ hệ 6 năm, 62 dược sỹ, 113 cử nhân y tế, đào tạo sau đại học trên 200 bác sỹ, dược sỹ chuyên khoa I, II, thạc sỹ, tiến sỹ. Bên cạnh đó, Trường Trung học y tế Đồng Nai từ khi được nâng cấp lên thành trường Cao đẳng y tế đã mở thêm nhiều ngành học mới, mỗi năm đào tạo trên 1.000 sinh viên hệ trung học, cao đẳng cho ngành y tế. Ngoài ra, việc thực hiện công tác luân chuyển cán bộ từ tuyến trên về tuyến dưới cũng đã góp phần đào tạo cán bộ và chuyển giao kỹ thuật, nâng cao chuyên môn cho cán bộ y tế tuyến cơ sở.
Về chế độ chính sách đãi ngộ, hầu hết các cơ sở y tế nhất là các bệnh viện đã thực hiện nhiều giải pháp ưu đã để thu hút cán bộ y tế về làm việc, nhất là sau khi Nghị quyết số 127/2008/NQ-HĐND về chế độ thu hút và trợ cấp đối với cán bộ, viên chức ngành y tế giai đoạn 2009-2011 của HĐND tỉnh Đồng Nai được ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường đội ngũ cán bộ y tế của tỉnh. Giai đoạn 2006-2010 toàn ngành y tế đã thu hút được 370 bác sỹ, trong đó có nhiều bác sỹ chuyên khoa I, II, thạc sỹ từ các địa phương khác về Đồng Nai công tác.
Kết quả đội ngũ cán bộ y tế Đồng Nai đã có bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Toàn ngành đã có gần 7.300 cán bộ y tế, đạt 29 cán bộ y tế/1 vạn dân, số cán bộ y tế tăng gấp đôi so với năm 2005; số bác sỹ là 1.310 so với 670 bác sỹ năm 2005, đạt 5,1 bác sỹ/vạn dân, tăng 1,9 lần. Chất lượng đội ngũ cán bộ y tế được nâng lên rõ rệt, trong đó có 22 thạc sỹ và tiến sỹ y khoa, 58 bác sỹ chuyên khoa II hình thành đội ngũ cán bộ y tế từng bước chuyên sâu trong lĩnh vực. Tuyến y tế cơ sở đã có 85% xã, phường có bác sỹ, tăng 24% so với năm 2005.
Bên cạnh đó, ngành y tế luôn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho mạng lưới y tế, toàn tỉnh hiện có 17 bệnh viên đa khoa và chuyên khoa, 13 phòng khám đa khoa khu vực, 4.820 giường bệnh, tăng 2.200 giường (1,98 lần so với năm 2005), đạt 19 giường bệnh/1 vạn dân. Tỉnh đã có 02 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh là Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện đa khoa Thống Nhất được công nhận bệnh viện hạng I. Giai đoạn 2006-2010, tỉnh đã đầu tư trên 1.300 tỉ đồng cho nâng cấp, xây mới và mua sắm thiết bị y tế. Ngoài ra, trong 3 năm 2008-2011 tỉnh Đồng Nai đã được Trung ương hỗ trợ nguồn vốn trên 100 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và vốn crương trình mục tiêu y tế quốc gia để đầu tư cho y tế. Chính vì được tạo điều kiện về nguồn vốn nên trong 5 năm qua, tỉnh Đồng Nai có điều kiện hoàn thành đưa vào sử dụng 13 công trình y tế mới xây dựng và nâng cấp bao gồm: Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Bệnh viện đa khoa Cẩm Mỹ, Dầu Giây, Định Quán, Thống Nhất, Y dược cổ truyền; 05 trung tâm y tế là Trung tâm phòng chống sốt rét, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm y tế huyện Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Xuân Lộc; 02 phòng khám Đa khoa khu vực là Thạnh Phú và Sông Ray; và trên 100 trạm y tế được đã nâng cấp và xây dựng mới, 82 trạm y tế được đầutư thiết bị hiện đại theo chuẩn của Bộ Y tế. Trong năm 2011, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thành đưa vào sử dụng các bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Bệnh viện Da liễu, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS và các Phòng khám đa khoa khu vực Xuân Hưng, Phú Lý. Các công trình xây dựng và nâng cấp cơ sở y tế đều được đầu tư trang thiết bị đồng bộ và hiện đại. Kết quả đầu tư đã góp phần cải thiện đáng kể về cơ sở hạ tầng và thiết bị cho các cơ sở y tế, tạo điều kiện tốt hơn cho người bệnh đến khám chữa bệnh, giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Nhiều thiết bị y tế công nghệ cao được đầu tư đưa vào sử dụng như: Máy CT scanner, CT mô phỏng, MRI, thận nhân tạo, máy gia tốc tuyến tính, hệ thống siêu lọc máu, hệ thống mổ nội soi, hệ thống mổ phacô, hệ thống oxy cao áp...Đến nay có 7 bệnh viện được trang bị máy CT trong đó có 6 bệnh viện đã triển khai phẫu thuật sọ não, 6 bệnh viện đã thực hiện được phẫu thuật nội soi.
Công tác xã hội hóa về y tế tại tỉnh Đồng Nai cũng được chú trọng tạo điều kiện phát triển. Các bệnh viện và trung tâm y tế đã thực hiện nhiều hình thức huy động vốn như vốn cổ phần từ cán bộ CNVC trong ngành, vay vốn đầu tư phát triển, liên kết lắp đặt nhiều thiết bị y tế.
Toàn tỉnh hiện có trên 3.700 cơ sở hành nghề y dược tư nhân phát triển rộng khắp đến các vùng nông thôn, miền núi đã có đóng góp quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, trong đó có trên 1.800 cơ sở hành nghề y bao gồm 21 phòng khám đa khoa, 1.800 phòng khám tư và cơ sở khám chữa bệnh YHCT. Bên cạnh đó, có gần 20 dự án xây dựng bệnh viện và trường đào tạo cán bộ y tế ngoài công lập đang lập dự án và xin chủ trương đầu tư. Đối với cơ sở y tế hành nghề dược bao gồm 23 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược phẩm, 16 công ty bán buôn dược phẩm và trên 1.800 nhà thuốc và đại lý thuốc phân bổ rộng khắp các địa bàn, đáp ứng nhu cầu thuốc phòng và chữa bệnh cho nhân dân.
Đánh giá một cách tổng quan, trong giai đoạn 2006-2010 ngành y tế có có bước phát triển nhanh và toàn diện. Đội ngũ cán bộ y tế tăng về số lượng và được nâng cao về trình độ, nhiều công trình y tế với trang thiết bị hiện đã đã được đưa vào sử dụng, chất lượng chẩn đoán và điều trị được nâng lên, triển khai nhiều kỹ thuật cao như vi phẫu, phẫu thuật phaco, thay chỏm xương đùi, thay khớp, thận nhân tạo, siêu lọc máu, tim mạch can thiệp, điều trị ung thư, vô sinh...chất lượng điều trị các bệnh viện tuyến huyện và tại các trạm y tế xã cũng đang được cải thiện rõ rệt. Trong lĩnh vực y tế dự phòng đã khống chế thành công nhiều bệnh dịch nguy hiểm như sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp, cúm A/H5N1, H1N1...trong 5 năm qua trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh lớn. Bên cạnh đó, cơ bản khống chế các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em, tỉ lệ nhiễm mới HIV/AIDS giảm, phòng chống các bệnh xã hội như lao, phong, tâm thần, bướu cổ...đạt hiệu quả cao. Đã có sự quan tâm phòng chống các bệnh phát sinh trong quá trình công nghiệp hóa như bệnh nghề nghiệp, ung thư, cao huyết áp, đái tháo đường.
Tuy nhiên, hệ thống y tế Đồng Nai vẫn còn một số hạn chế như tình trạng quá tải vẫn còn xảy ra ở một số bệnh viện, nhất là bệnh viện tuyến tỉnh, tiến độ xây dựng cơ bản còn chậm so với quy hoạch tổng thể phát triển ngành y tế Đồng Nai đến năm 2010 và tầm nhìn 2020. Về nhân lực, đội ngũ cán bộ y tế vẫn còn thiếu nhiều bác sỹ, dược sỹ đặc biệt là những chuyên gia giỏi, cuối giai đoạn 2006-2010 tại Đồng Nai, tỉ lệ 5,1 bác sỹ/vạn dân còn thấp so với bình quân chung của cả nước, không đạt chỉ tiêu nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ VIII và nghị quyết HĐND tỉnh là 7 bác sỹ/vạn dân. Về giường bệnh đạt 19 giường/vạn dân cũng thấp hơn so với quy hoạch phát triển ngành y tế đề ra năm 2010 phải đạt 22,88 giường bệnh/vạn dân.
Mới đây, nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đã đề ra chỉ tiêu vào năm 2015, tỉnh Đồng Nai phải đạt 8 bác sỹ/vạn dân 26 giường bệnh/vạn dân. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi toàn hệ thống chính trị nói chung và ngành y tế nói riêng phải có nhiều cố gắng, nỗ lực hơn nữa để phát triển hệ thống y tế của tỉnh Đồng Nai, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Về trách nhiệm của mình, mới đây nhất tại kỳ họp thứ 21 HĐND tỉnh Đồng Nai khóa VII, lãnh đạo ngành y tế đã kiến nghị HĐND tỉnh xem xét, tiếp tục cho kéo dài thực hiện chế độ thu hút và trợ cấp đối với cán bộ, viên chức ngành y tế đến năm 2015. Đây dự kiến làm một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu tại nhiệm kỳ VIII HĐND tỉnh Đồng Nai sắp tới.
Kim Chung