Theo
Hồ Chí Minh, nhà nước của dân nghĩa là, cơ quan quyền lực nhà nước
từ Trung ương cho đến địa phương đều do nhân dân trực tiếp hay gián tiếp bầu
ra. Mọi quyền lực, quyền hành đều thuộc về nhân dân. Mọi hoạt động của cơ quan
nhà nước cũng như đội ngũ công chức đều phải vì lợi ích của nhân dân.
Nhà
nước do dân, đó là nhà nước do dân lựa chọn,
bầu ra những đại biểu của mình; nhà nước đó do dân ủng hộ, giúp đỡ và lại do
dân phê bình, xây dựng; mọi quyết định của nhà nước có liên quan đến sự sinh tồn
và lợi ích của nhân dân phải được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia bàn bạc,
thảo luận và quyết định. Người nhấn mạnh: “Nếu Chính phủ làm hại dân, thì dân
có quyền đuổi Chính phủ”.
Còn nhà
nước vì dân là xuất phát từ bản chất nhà nước của giai cấp công
nhân, mang tính chất nhân văn sâu sắc, đó là nhà nước phục vụ lợi ích và nguyện
vọng của nhân dân, không có đặc quyền, đặc lợi, thực sự trong sạch, tận tụy,
liêm chính. Trong Nhà nước đó, cán bộ từ Chủ tịch trở xuống đều là công bộc
của dân. Vì vậy, “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại
cho dân, ta phải hết sức tránh”.
Xây dựng
nhà nước của dân, do dân, vì dân là một trong nhiệm vụ quan trọng của mỗi cán bộ,
đảng viên, của toàn hệ thống chính trị trong điều kiện Đảng cầm quyền và thực
hiện tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội xã chủ nghĩa. Thực hiện tư
tưởng của Người qua 25 năm đổi mới, đất nước ta đạt được những kết quả hết sức
nổi bật; nền dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và mở rộng; quốc phòng an
ninh được giữ vững. Ở Đồng Nai, tốc độ
tăng trưởng kinh tế khá cao, tỷ trọng công nghiệp-xây dựng chiếm: 57,9%, dịch
vụ: 31,5%, nông-lâm nghiệp, thủy sản: 10,6%, GDP bình quân đầu người đạt trên
24 triệu đồng. Công tác xóa đói, giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội đạt kết
quả tích cực. Nhân dân ngày càng tin tưởng
vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn
kết toàn dân tộc.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số mặt đáng quan tâm như: nền kinh tế có mặt
phát triển chưa bền vững; đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là ở vùng sâu,
vùng xa còn nhiều khó khăn. Một số cán bộ rơi vào tham nhũng, biến chất, quan
liêu; thủ tục hành chính còn rườm rà. Mặc khác một số phần tử quá khích, lợi dụng dân chủ quá
trớn vi phạm pháp luật...
Trong suốt gần 1/4 thế kỷ, trên cương vị là Chủ tịch
nước, Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng ngời, đồng thời có những yêu cầu
nghiêm khắc, nhắc nhở mọi cán bộ nói chung, nhất là cán bộ chính quyền phải
thân dân, gần dân, trọng dân, không được lên mặt “quan cách mạng”, phải lắng
nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của dân. Chỉ có trí tuệ và lòng dân
mới có thể làm cho chính quyền trở nên mạnh mẽ và sáng suốt. Vận dụng tư tưởng
cơ bản của Hồ Chí Minh về nhà nước của dân, do dân, vì dân trong giai đoạn cách
mạnh hiện nay cần quan tâm một số nội dung đó là:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo
của Đảng đối với Nhà nước; gắn liền xây dựng, chỉnh đốn Đảng với kiện toàn bộ
máy nhà nước, xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh. Sự lãnh
đạo của Đảng là nhân tố quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy
nhà nước.
Thứ hai, phát huy dân chủ đi đôi
với tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, thật sự tôn trọng quyền làm chủ của
nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba
điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra
sáng kiến”. Tất nhiên, dân chủ phải gắn chặt với quản lý nhà nước bằng pháp
luật, kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ ba, yêu
cầu đặt ra là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực hơn nữa về nhận thức, trách
nhiệm của các cấp, các ngành và mỗi cán bộ, đảng viên, trên cơ sở quán triệt
sâu sắc tư tưởng và vận dụng hữu hiệu phương pháp Hồ Chí Minh về công tác dân
vận. Khi ban hành chính sách gì, làm việc gì, mọi tổ chức, cán bộ phải xuất
phát từ nguyện vọng và lợi ích của nhân dân.
Thứ
tư, tăng cường mối quan hệ, xây dựng Quy chế phối hợp giữa
chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp. Tập trung phát triển
kinh tế-xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân.
Quan tâm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Đẩy mạnh phong trào thi đua
yêu nước trong các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội.
Nhà
nước của dân, do dân và vì dân, xét đến cùng mọi hoạt động của Nhà nước
là nhằm phục vụ cho lợi ích chính đáng của nhân dân, là phát huy dân chủ, phát
triển kinh tế, văn hóa, xã hội; thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và
Nhà nước với nhân dân. Tăng
cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước; không ngừng củng cố
bộ máy chính quyền trong sạch vững mạnh, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần
nhân dân ngày càng nâng cao. Tất cả vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội
dân chủ, công bằng, văn minh”, tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Viên Hồng Tiến