 |
Đại biểu HĐND chất vấn tại kỳ họp |
Để hai chủ thể này hoạt động có hiệu quả cần đến khả năng tự thân vận động của các chủ thể trên khung nền mà pháp luật đã quy định và đòi hỏi người đại biểu phải là người thực sự có tâm với hoạt động của HĐND, có tầm hiểu biết, làm người đại biểu dân cử với mục đích là làm người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân mà không vì một mục đích hay quyền lợi cá nhân nào khác.
Hoạt động của Đại biểu HĐND bao gồm hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật đến với nhân dân và quyết định các vấn đề tại kỳ họp. Hiệu quả của đại biểu được đánh giá bằng sự hài lòng của cử tri đối với đại biểu và sự hài lòng đó thể hiện qua rất nhiều tiêu chuẩn có thể khái quát như sau.
Đại biểu phải là người có kiến thức và khả năng vận dụng kiến thức vào hoạt động đại biểu. Kiến thức pháp luật cơ bản là điều kiện cần còn kiến thức thực tế là điều kiện đủ, Không phải cử tri nào cũng có thể hiểu ra vấn đề nếu người đại biểu giải thích, trả lời bằng kiến thức pháp luật với những thuật ngữ chuyên ngành khô cứng và khó hiểu. Tuỳ thuộc vào khả năng nhận thức của cử tri, người đại biểu có thể chọn cách trình bày vấn đề cần giải thích bằng một loạt các quy định hay chỉ cần bằng một ví dụ thực tế sinh động với cách trình bày bằng việc sử dụng những ngôn từ dân dã, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ “thấm”. Cũng không thể có một mối quan hệ tốt giữa đại biểu với cử tri, giữa đại biểu với các cơ quan quản lý nhà nước nếu như bất cứ vấn đề gì mà cử tri phản ánh đến đại biểu đều được đại biểu xử lý theo kiểu “bưu điện ” tức là chuyển đến một cơ quan nào đó vì lý do đại biểu không thể giải thích, trả lời, vì đại biểu không có hiểu biết về vấn đề mà cử tri phản ánh.
Dám làm, dám phản biện trên tinh thần xây dựng, làm đúng công việc của mình, không thoả hiệp tuy nhiên cũng phải là người « làm gì cũng dám », tức là làm những công việc vượt xa khả năng của mình, như vậy dễ dẫn đến làm ẩu, làm không có hiệu quả, mất uy tín trước cử tri cũng như trong mối quan hệ với các cơ quan, ngành có liên quan.
Biết lắng nghe và chọn lọc những thông tin, không nóng vội, kiên quyết với những nguyện vọng thái quá của cử tri: Thông tin của cử tri gửi đến đại biểu thường nhiều về số lượng, phong phú, đa dạng về nội dung. Ngay trong ý kiến phản ánh của cử tri cũng đã có ý kiến trái chiều và ý kiến khi đã được gửi đến đại biểu đa số là ý kiến bức xúc. Để xử lý được những ý kiến, nguyện vọng này một cách phù hợp, đại biểu phải biết lắng nghe, chắt lọc những thông tin về vấn đề mà mình được phản ánh từ đó vận dụng sự hiểu biết của mình để xử lý. Điều này thể hiện đại biểu còn phải là người có « tầm ». Tuyệt đối tránh tình trạng đại biểu HĐND thường bị bức xúc theo bức xúc cử tri bởi chỉ nhận được thông tin một chiều và không cẩn trọng trong xem xét, xử lý ý kiến.
Sáng suốt trong quyết định vấn đề, không bị ảnh hưởng bởi tâm lý số đông : Tiêu chuẩn này được thể hiện khi đại biểu thảo luận, quyết định các vấn đề tại kỳ họp và có liên quan đến tiêu chuẩn về kiến thức hiểu biết của đại biểu. Thông thường, mỗi người chỉ nắm chắc về một hay một số lĩnh vực nhưng làm người đại biểu phải quyết định tất cả các vấn đề của địa phương. Điều này dẫn đến tâm lý dễ bị số đông chi phối hoặc bị đại biểu có kiến thức chuyên môn về vấn đề đó chi phối. Trong trường hợp này, đại biểu phải bổ trợ kiến thức còn thiếu của mình bằng cách đưa ra những vấn đề mình còn băn khoăn để đề nghị được lý giải tại các buổi thảo luận ở tổ đại biểu và tại kỳ họp ; phải tham khảo kỹ các báo cáo thẩm định, thẩm tra trình ra kỳ họp để có định hướng cho việc quyết định của mình.
Đại biểu cũng phải có phương pháp hoạt động phù hợp, biết tận dụng và phát huy thế mạnh của bản thân : Một đại biểu đại diện cho cử tri đô thị phải có phương pháp làm việc khác với đại biểu ở khu vực nông thôn; đại biểu có năng lực chuyên môn chuyên sâu phải hoạt động khác một đại biểu công tác trong khối đoàn thể hay tôn giáo... điều đó có nghĩa là đại biểu phải biết tận dụng thế mạnh của mình, biết được những vấn đề cơ bản về tình hình của địa bàn mình ứng cử để xây dựng nên phương pháp làm việc thiên về khoa học, « bài bản » hay đại chúng ; làm việc đơn lẻ hay phải là một tổ, nhóm các đại biểu và sự tham gia phối hợp của các cơ quan chuyên môn. Đối với việc dành thời gian cho hoạt động đại biểu cũng cần được tính toán là nên lồng ghép trong các hoạt động khác hay chỉ dành riêng cho hoạt động đại biểu để có hiệu quả cao nhất.
Một vấn đề khác là thực tế, đó là khả năng ứng xử các tình huống trước cử tri. Cử tri mà đại biểu đại diện luôn là một số đông, trong số cử tri số đông đó rất thể có những cử tri có những nguyện vọng không chính đáng. Trong trường hợp này thì đại biểu phải xác định được nguyện vọng nào là chính đáng, nguyện vọng nào là không chính đáng để tránh tình trạng « làm khó » cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết, đáp ứng nguyện vọng của cử tri. Có khi bất bình về một vấn đề nào đó, về một cơ quan hay cán bộ công chức nào đó, cử tri trút giận lên đại biểu một cách rất vô lý. Trong trường hợp này thì đại biểu phải biết kìm chế bản thân và chịu đựng sự nóng giận cử tri, đặt mình vào bức xúc cửa cử tri để lắng nghe và chia sẻ.
Một tiêu chuẩn mang tính bổ trợ, người đại biểu HĐND cần có « cái uy », « cái duyên ngầm », những yếu tố thuộc về tố chất bẩm sinh là chủ yếu nhưng cũng hỗ trợ rất lớn cho người đại biểu trong hoạt động của mình. Thực tế đã từng xảy ra, cùng một vấn đề, cùng nội dung trả lời, với cách thể hiện của đại biểu A thì nhân dân đồng tình nhưng với cách trả lời của đại biểu B lại không nhận được sự đồng tình hoặc đồng tình không cao, đó là cái uy, cái duyên cần có của người đại biểu.
Đối với người đại biểu chuyên trách (Thường trực và Trưởng, phó các Ban HĐND hoạt động chuyên trách) thì những yêu cầu trên càng phải được thực hiện một cách triệt để bởi lẽ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách là những người hoạt động HĐND thường xuyên, nắm tình hình rõ hơn, có trách nhiệm trong việc đưa ra định hướng cho các đại biểu khi quyết định các vấn đề tại kỳ họp.
Xét các nội dung tiêu chuẩn phân tích ở trên đặt ra một vấn đề : Làm một đại biểu HĐND, quyền lợi không nhiều (mức phụ cấp là 0,3 ; 0,4 và 0,5 tùy thuộc vào đại biểu mỗi cấp) ; thực hiện nhiệm vụ mà nhiều người từ chối khi được giới thiệu đảm trách nhưng để hoạt động có hiệu quả thì cần phải có quá nhiều điều kiện như trên liệu có là sự đòi hỏi quá đáng, là những điều kiện xa xôi, có chăng chỉ phù hợp với người ... đại biểu Quốc hội ? Câu trả lời là không quá đáng. Xét cho cùng những vấn đề nêu trên đều là năng lực tiềm tàng trong mỗi con người, vấn đề là phát triển năng lực đó lên mà muốn phát triển năng lực đó thì người đại biểu HĐND phải luôn tự ý thức rằng mình là đại biểu HĐND; có những lúc, những khi tiếng nói của mình không chỉ là của riêng cá nhân mình mà là của một tập thể mà mình chỉ thực hiện vai trò làm người đại diện. Chung quy lại, đó là trách nhiệm, là lương tâm của người đại biểu, là người xác định được mình là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Nguyễn Thị Oanh